Xây dựng nếp sống văn minh ở Hải Hậu (Nam Định)

Có dịp về huyện Hải Hậu (Nam Định), chúng tôi không chỉ 'no mắt' trước phong cảnh làng quê khang trang, sạch đẹp, ngăn nắp mà còn được biết đến những nỗ lực của cán bộ, người dân địa phương trong việc thay đổi những tập tục không còn phù hợp; trong đó có việc dần từ bỏ lệ... chia phần mang về khi đi ăn cỗ.

Lệ chia phần mang về khi đi ăn cỗ đang được người dân huyện Hải Hậu dần từ bỏ nhằm xây dựng nếp sống văn minh.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hóa - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, từ xưa tới nay, người dân trong huyện có lệ mỗi khi đi ăn cỗ thường lấy phần mang về. Vì lệ này mà có chuyện trong bữa cỗ, những người ngồi cùng mâm thường chỉ ăn qua loa. Phần lớn thức ăn còn lại sau đó được chia phần, của ai người đó gói gém mang về. Khi làm cỗ, gia chủ phải tính toán sao cho vừa có những món để khách có thể ăn tại chỗ, vừa có những món cho khách có thể mang về. Ngoài chuẩn bị cỗ, có một thứ gia chủ không bao giờ được để thiếu, phải chuẩn bị sẵn cho từng người, đó là…túi nylon!

Theo vị cán bộ Măt trận, tục lệ, thói quen này xuất phát từ việc xa xưa, khi đời sống còn khó khăn, thiếu thốn, mọi người ít khi được miếng ăn ngon, trừ khi được mời đi ăn cỗ nơi đình đám, giỗ chạp. Lấy phần mang về khi đi ăn cỗ là cách mọi người quan tâm, chia sẻ với người thân ở nhà, ông bà dành cho con cháu, con cháu dành cho bố mẹ, ông bà. Quả là cách nghĩ, việc làm đẹp khi cuộc sống còn khó khăn!

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hóa: “Giờ đây, cuộc sống đã đủ đầy hơn. Việc duy trì thói quen, tập tục chia cỗ mang về không còn phù hợp. Chẳng đẹp mắt tý nào khi trong bữa cỗ, người đến dự mải lo chia phần. Phải làm thêm cỗ để cho khách chia phần mang về cũng khiến gia chủ vất vả, tốn kém hơn rất nhiều. Người đến dự vì vậy cũng băn khoăn với việc phải chuẩn bị món mừng sao cho tương xứng. Tóm lại ai cũng lo!”.

Xuất phát từ thực tế trên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hải Hậu, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài việc huy động nguồn lực xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng; thực hiện dồn điền đổi thửa, áp dụng các mô hình, phương thức sản xuất, làm ăn mới, hệ thống chính trị trong huyện Hải Hậu chú trọng chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân ở các khu dân cư thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang. Trong đó, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các khu dân cư trong huyện họp bàn sửa đổi, bổ sung hương ước cho phù hợp với cuộc sống mới.

Đến nay, hầu hết các thôn, xóm trong huyện đều đã quy định rõ khi tổ chức đám cưới, chỉ làm cỗ đủ ăn, không “làm thêm cỗ để chia phần” và “đi ăn cỗ không lấy phần” trong hương ước. Ngoài ra, hương ước của các khu dân cư trong huyện cũng khuyến khích việc dùng hình thức báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới, qua đó hạn chế việc cỗ bàn linh đình kéo dài, tốn kém. Khuyến khích cơ quan, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới; dịp thành hôn cô dâu, chú rể đến đặt hoa tại đài tưởng niệm các liệt sỹ, trồng cây lưu niệm...

“Thời gian qua, về dự một số đám cưới ở một số xã trong huyện, chúng tôi rất vui khi thấy quy định trên đã đi vào cuộc sống. Theo đó, khi tổ chức lễ cưới, thay bằng chuẩn bị cỗ cưới linh đình, đủ để ăn lẫn để chia như lệ thường, các gia đình chỉ chuẩn bị số cỗ vừa đủ cho những người đến dự, tiết kiệm đáng kể chi phí. Rất mừng là việc làm này được dòng họ, xóm làng, người thân của các gia đình rất đồng tình, ủng hộ” - ông Nguyễn Văn Hóa chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hóa, thay đổi một thói quen, tập tục đã có từ lâu đời là một việc không dễ. Trên thực tế, vẫn còn những gia đình ở địa phương e ngại, chưa “mạnh dạn” làm cỗ theo phương châm “tiết kiệm” kể trên, vì sợ mang tiếng không “chu đáo” với anh em, họ hàng, làng xóm. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động sẽ còn phải tiếp tục, theo phương châm kiên trì, “mưa dầm, thấm lâu”; qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, chung tay xóa bỏ một thói quen, tập tục đã không còn phù hợp../.

Bài, ảnh: Trần Nam Dương

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/xay-dung-nep-song-van-minh-o-hai-hau-nam-dinh-507402.html