Xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử và phòng chống bạo lực gia đình

Chiều 28-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội tổ chức hội thảo 'Phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử và phòng, chống bạo lực gia đình'.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Văn hóa ứng xử trong gia đình; giáo dục gia đình với phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực nhà trường, bạo lực ngoài xã hội; vai trò trung tâm và những ảnh hưởng sâu sắc, quyết định trong văn hóa ứng xử của người mẹ, người phụ nữ trong giáo dục gia đình; vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp hội phụ nữ trong việc triển khai và hỗ trợ chị em phụ nữ tham gia xây dựng nét đẹp văn hóa người Hà Nội, nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử, phòng chống bạo lực – từ gia đình đến nhà trường và xã hội;

Đặc biệt là phát huy vai trò phụ nữ trong việc rèn những thói quen hành vi văn hóa cho trẻ vị thành niên, trong việc xây dựng tổ ấm, giữ gìn gia phong, nền nếp trong mỗi gia đình… Ngoài ra, các đại biểu còn nêu ra thực trạng và giải pháp phối hợp giữa các ngành trong việc phòng, chống bạo lực gia đình…

Hội thảo cũng tập trung đánh giá khách quan vai trò, tầm quan trọng của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp nói chung, cá nhân từng phụ nữ nói riêng trong xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử, phòng chống bạo lực gia đình.

Từ đó, đề xuất những định hướng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm; các đề xuất về hành động cụ thể trong việc xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử và phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, phụ nữ Thủ đô cần lĩnh hội tâm nguyện/huấn đức của Bác Hồ để dạy con nên người theo các giá trị: Yêu nước, yêu lao động, dũng cảm, tự trọng; sống khuyến thiện, sống có tình, có nghĩa, sống có hoài bão.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, cần dạy con theo các giá trị: Yêu nước, yêu lao động, dũng cảm, tự trọng; sống khuyến thiện, sống có tình, có nghĩa, sống có hoài bão.

"Hiện nay, cả nước đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nếu Hội Phụ nữ Hà Nội động viên nhắc nhở mỗi chị em thực hiện được di huấn của Bác, chắc chắn, chúng ta sẽ có nhiều gia đình hạnh phúc, con cái chúng ta sẽ nên người” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.

Theo Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội, cần đề cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng nếp sống gia đình văn hóa và phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, thực hiện một số giải pháp như: tham mưu Ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cấp xã thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa thông qua công tác xây dựng gia đình văn hóa làng, bản…. trong việc tổ chức cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng các quy ước nếp văn hóa trong ngành, giới, địa phương;

Các ý kiến tại Hội thảo thống nhất, phải hướng tới mục tiêu để gia đình biết phát huy những kinh nghiệm, phương pháp, quan điểm giáo dục tiên tiến để cùng với nhà trường dạy con nên người; các tổ chức hội phụ nữ từ cấp xã, phường, thị trấn đến quận, huyện, thị phải đồng hành cùng hội viên, hỗ trợ những gia đình khó khăn để mỗi gia đình tràn ngập hạnh phúc.

Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần tích cực vào phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bảo Châu

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/xay-dung-net-dep-van-hoa-ung-xu-va-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-125591