Xây dựng nhà máy chế biến sen ngay trong khu dân cư: 3 hộ dân phản đối

3 hộ dân ở Đội 5, thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng cùng đứng đơn gửi đến lãnh đạo các cấp và cơ quan báo chí để phản đối việc xây dựng nhà máy chế biến sen ngay trong khu dân cư. Xử lý đơn thư của công dân, phóng viên Báo Quảng Trị đã làm việc với chính quyền địa phương và các hộ dân để thông tin đầy đủ về sự việc này.

Ông Nguyễn Đăng bên trường mầm non cũ ở khu vực trung tâm thôn Phương Hải, nơi dự kiến xây dựng nhà máy chế biến sen - Ảnh: LÊ MINH

Người dân lo lắng môi trường sẽ bị ô nhiễm

Ngày 3/10/2023, Báo Quảng Trị nhận được đơn của 3 hộ dân gồm các hộ ông: Nguyễn Đăng, Nguyễn Văn Xá, Võ Viết Chửng đều trú tại Đội 5, thôn Phương Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng cho biết, sau khi các hộ dân biết được chính quyền địa phương đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến sen trong khu dân cư, 13 hộ dân đã viết đơn gửi UBND xã Hải Ba, UBND huyện Hải Lăng và UBND tỉnh với mong muốn dời địa điểm xây dựng nhà máy ra khỏi khu vực đông dân cư. Đơn của 13 hộ dân gửi đến 3 cấp chính quyền vào ngày 3/8/2023. Trước đó, các hộ dân cũng đã đứng ra cản trở việc thi công nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Xá nêu lý do các hộ dân phản đối là vì sợ nhà máy gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe lâu dài của họ. Theo ông Xá, vị trí dự kiến xây nhà máy chế biến sen trên nền đất của trường mầm non cũ, bên cạnh nhà văn hóa thôn, nhà làm việc của Hợp tác xã Phương Hải. Đây là khu vực trung tâm cụm dân cư của thôn, có hơn 40 hộ dân đang sinh sống trong phạm vi bán kính 300 m tính từ khu đất dự kiến xây dựng nhà máy. Riêng nhà ông Xá tiếp giáp với thửa đất đang dự kiến xây dựng nhà máy.

Tương tự gia đình ông Xá, gia đình ông Nguyễn Đăng cũng nằm tiếp giáp với thửa đất dự kiến xây dựng nhà máy. “Chủ trương của cấp trên là không đầu tư xây dựng mới các nhà máy trong khu dân cư, đồng thời có kế hoạch di dời các nhà máy trước đây do lịch sử để lại đang hoạt động trong khu dân cư. Vậy, tại sao phải nhất quyết xây dựng nhà máy chế biến sen ở thôn Phương Hải nằm trong khu vực đông dân cư?”, ông Đăng đặt câu hỏi.

Để chứng minh cho lập luận của mình, ông Đăng đã đưa phóng viên đến “mục sở thị” một nhà máy chế biến sen tương tự đang xây dựng tại thôn An Lưu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong mà chính quyền xã Hải Ba giới thiệu người dân đến tìm hiểu quy mô hoạt động và sự tác động đến môi trường của nhà máy. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhà máy đặt tại thôn An Lưu có quy mô hơn 700 m2 và được xây dựng ngoài khu vực dân cư. Điều này làm cho ông Đăng càng thêm lo lắng về dự án tại khu vực gia đình ông đang sinh sống.

“Nhà tôi có 3 thế hệ đang sinh sống, khi nhà máy đặt bên cạnh nhà mình, tôi sợ nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn, nguồn nước đối với các thành viên trong gia đình”, ông Đăng giải bày.

Ông Võ Viết Chửng khẳng định: “Người dân chúng tôi hoàn toàn nhất trí về chủ trương xây dựng nhà máy chế biến sen, nhưng không đồng ý về việc xây dựng nhà máy trong khu dân cư, nếu đầu tư ở vị trí khác thì chúng tôi ủng hộ một trăm phần trăm”.

Cam kết đóng cửa nhà máy nếu gây ô nhiễm

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Chủ tịch UBND xã Hải Ba Lê Xuân Trường cho biết: dự án xây dựng nhà máy chế biến sen tại thôn Phương Hải thuộc hợp phần 3.2 dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Quảng Trị. Dự án đầu tư trên địa bàn huyện Hải Lăng 3 nhà máy gồm chế biến sen ở xã Hải Ba, gạo hữu cơ ở xã Hải Quế, ném hữu cơ ở xã Hải Dương. Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư.

Tại xã Hải Ba, dự án hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Phương Hải gói đầu tư công nghệ: Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến sen và tiến tới xây dựng thương hiệu sen Hải Lăng. Tổng mức đầu tư của dự án là 8.353.141.000 đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 7.528.113.000 đồng, vốn do Nhân dân đóng góp 825.028.000 đồng.

Các hạng mục được đầu tư gồm 1 tuyến đường giao thông nội đồng dài 900 m; 1 tuyến đê bao chống úng dài 700 m; 2 máy bơm chống úng, 1 máy cày Kubota và thiết bị cày lồng; các máy móc chế biến, bảo quản hạt sen; hỗ trợ giống và phân bón cho các hộ dân tham gia trồng sen.

Đề cập về phản ứng của người dân, ông Lê Xuân Trường cho hay, trước đây có 13 hộ phản đối. Tuy nhiên, sau khi chính quyền địa phương tuyên truyền, thông tin để người dân hiểu về mức ảnh hưởng thấp của nhà máy, đồng thời tổ chức đoàn công tác bao gồm các hộ dân đi tham quan dự án chế biến sen ở Quảng Bình, vì vậy, có 10/13 hộ đã rút đơn, chỉ còn 3 hộ sinh sống liền kề khu đất dự kiến xây dựng nhà máy gồm các hộ ông: Nguyễn Đăng, Nguyễn Văn Xá và Võ Viết Chửng vẫn chưa đồng tình.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ba Võ Viết Đính thông tin thêm, lý do lựa chọn khu vực trường mầm non cũ vì nơi đây gần với HTX Phương Hải để tạo thuận lợi trong quản lý - yêu cầu bắt buộc của dự án. Bên cạnh đó, tranh thủ cơ sở vật chất của trường mầm non làm nguồn vốn đối ứng cho HTX Phương Hải. Về ảnh hưởng môi trường, dự án có Kế hoạch quản lý môi trường và xã hội được Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh phê duyệt. Thực tế tham quan mô hình tại Quảng Bình và các thiết bị đầu tư cho dây chuyền như máy sấy, máy bóc vỏ, máy lột màng, máy thông tim, máy sàng kích cỡ... thì hoạt động của nhà máy chỉ là sơ chế, rất hạn chế xả thải khí bụi, nước thải.

Bên cạnh đó, quy mô nhà máy đầu tư diện tích nhà xưởng chỉ 189 m2 , diện tích nhà mẫu giáo cũ cải tạo chỉ 133 m2 phục vụ làm kho cất giữ sản phẩm đã thành phẩm. Nhà máy chỉ hoạt động theo mùa vụ thu hoạch sen, nên thời gian hoạt động trong năm rất ít. “Để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động ủng hộ dự án, đồng thời cam kết sẽ đóng cửa nhà máy nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường”, ông Võ Viết Đính khẳng định.

Cần tạo sự đồng thuận của người dân

Từ diễn biến sự việc cho thấy, dự án được triển khai với mục tiêu phát triển KT - XH với chủ thể hưởng lợi là người dân địa phương. Quá trình triển khai, chủ đầu tư đã thực hiện đúng quy trình, trong đó đã đánh giá và phê duyệt Kế hoạch quản lý môi trường và xã hội được phía đơn vị đầu tư chấp thuận. Về phía chính quyền địa phương có trách nhiệm và thận trọng trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, một số hộ dân sinh sống liền kề nhà máy bày tỏ nỗi lo ngại về vấn đề môi trường và kiến nghị thay đổi địa điểm là chính đáng, cần được chia sẻ và xem xét.

Vấn đề mấu chốt ở đây là do dự án chưa hoàn thành đi vào hoạt động, nên việc có gây ô nhiễm môi trường hay không chưa thể xác định. Người dân sống cận kề nhà máy lo lắng là có cơ sở, bởi vì trên thực tế có nhiều dự án được đánh giá đảm bảo về môi trường nhưng khi đi vào hoạt động lại gây ô nhiễm. Về phía UBND xã Hải Ba thì muốn tận dụng cơ sở cũ để thuận tiện quản lý và tiết kiệm chi phí đầu tư nên không muốn thay đổi vị trí. Vậy nên, chính quyền, cơ quan chức năng cần tiếp tục trao đổi với các hộ dân để đi đến thống nhất phương án giải quyết, tránh làm phức tạp tình hình.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ban-doc-phap-luat/xay-dung-nha-may-che-bien-sen-ngay-trong-khu-dan-cu-3-ho-dan-phan-doi/180506.htm