Xây dựng những miền quê đáng sống, để mọi người dân đi xa đều muốn về

Thực hiện được 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; rút ngắn được khoảng cách giữa đô thị và nông thôn và quan trọng nhất là xây dựng được sự phát triển hài hòa mà ở đó người dân sẽ được thụ hưởng những chính sách ưu việt của chế độ.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn mong muốn thực hiện được 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đúng với sự chỉ đạo chung và thông qua công tác giám sát để phát hiện các điểm nghẽn.

Từ đó, sẽ đạt được hiệu quả rất lớn: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; rút ngắn được khoảng cách giữa đô thị và nông thôn và quan trọng nhất là xây dựng được sự phát triển hài hòa mà ở đó người dân sẽ được thụ hưởng những chính sách ưu việt của chế độ.

Nếu nhìn ở góc độ này thì không chỉ ở Việt Nam mà ở những quốc gia khác cũng có những chương trình và phần việc tương tự, họ gọi đó là “chương trình hạnh phúc”.

“Nếu không có các chương trình về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững thì làm sao chúng ta tiếp cận và hoàn thành được mục tiêu thiên niên kỷ theo cam kết với Liên Hợp Quốc? Làm sao chúng ta có được những miền quê đáng sống và để rồi mọi người dân đi xa cũng muốn về? Làm sao chúng ta thấy được đời sống của nhân dân đang cải thiện?” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.

“Nếu tiếp cận ở góc độ văn hóa, chúng ta nhìn thấy tốc độ đô thị hóa nhanh ở nông thôn làm nhiều người cảm thấy hồn quê của người Việt bắt đầu bị đánh mất, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, hình ảnh của lũy tre xanh… của làng tôi đã không còn nữa, thay vào đó là bê tông hóa.

Theo phân công quản lý, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định vấn đề quy hoạch, xây dựng và phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề đó. Vừa qua, rất mừng khi trong quá trình này, chúng ta kịp thời nhận ra nên đã thay thế và điều tiết và bây giờ các “đường hoa” đã xuất hiện bên cạnh đường bê tông cứng hóa, bắt đầu có những hàng trúc, hàng cau làm đẹp hơn quang cảnh nông thôn và dần dần lấy lại hình ảnh hồn quê của người Việt”, Bộ trưởng Hùng phân tích.

“Ở góc độ khác, chúng ta đang tiếp cận để xây dựng thiết chế văn hóa, có đại biểu băn khoăn nói rằng tại sao phải xây dựng thiết chế?” – Bộ trưởng nói và cho biết, theo quy định hiện hành, chúng ta phải đảm bảo thiết chế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thôn.

Ở cấp tỉnh phải đảm bảo 3 thiết chế văn hóa là trung tâm nghệ thuật, bảo tàng và thể thao nhưng đến giờ này, qua báo cáo của các tỉnh, thành phố thì mới chỉ 80% các tỉnh có được các thiết chế cơ bản này, cấp huyện chỉ được 70%, cấp xã chỉ được 60-70%, còn cấp thôn bản chỉ đạt 30-40%.

Về thiết chế văn hóa thôn bản, Bộ trưởng cho biết đây là thiết chế văn hóa đa chức năng và ở đó có rất nhiều cách làm sáng tạo. Đó là nơi hội họp, sinh hoạt chính trị, là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, đó cũng có thể là phòng truyền thống của thôn bản.

“Như Yên Bái đã khai thác rất tốt khi sử dụng nhà văn hóa thôn bản làm nơi tổ chức đám cưới theo nếp sống văn minh”, Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề là chúng ta chọn địa điểm ở đâu, làm như thế nào để đi vào hoạt động. “Tại sao Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh thu hút khách tốt nhất nhưng bảo tàng nơi khác lại không làm được điều này? Phải chăng là cách lựa chọn địa điểm, không gian trưng bày”, Bộ trưởng phát biểu. Về việc này, Bộ đã có hướng dẫn cụ thể, còn vận hành như thế nào thì phải ở địa phương và đơn vị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có Dự án 06 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Thực hiện dự án này, thời gian qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc: Đã có Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam với 22 đại diện cộng đồng các dân tộc đang sinh sống, thu hút sự quan tâm của du khách từ trong và ngoài nước. Ngoài ra các địa bàn khác, với tư cách là chủ thể, cộng đồng các dân tộc cũng đang có nhiều cách làm phù hợp, sáng tạo và hiệu quả.

Đề cập về bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, Bộ trưởng cho biết trước hết phải dựa trên tiêu chí là ngôn ngữ, chữ viết. Về việc này Chính phủ đã có Nghị định 82 quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL thời gian qua đã rất nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao.

Về trang phục, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, Bộ VHTT&DL cũng đã hướng đến việc hình thành các câu lạc bộ để bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thông qua loại hình này.

Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm, ở cấp quốc gia, chúng ta cũng đang tập trung bảo tồn, duy trì các lễ hội, liên hoan dân ca, dân vũ thông qua việc tổ chức định kỳ tại nhiều địa phương. Các lễ hội, kỳ liên hoan chúng ta đã tổ chức thường xuyên, qua đó góp phần quảng bá, bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Về vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp mà đại biểu đã đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đại biểu đặt vấn đề đó là đúng. Nghị quyết của Đảng đã đề cập đến vấn đề này.

Theo Bộ trưởng, đạo đức xã hội là hình thái ý thức xã hội, nó tập hợp các bộ quy tắc để giúp con người định hướng đến giá trị tốt đẹp nhất đó là trung thực, lòng nhân ái, công bằng, tôn trọng lẫn nhau.

Chúng ta đã có cơ sở chính trị trong vấn đề này như: Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Chức năng quản lý nhà nước trong vấn đề này cũng đã đầy đủ khi Quốc hội cũng đã ban hành nhiều bộ luật, Chính phủ ban hành các Nghị định, chiến lược về văn hóa.

Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa ý thức, văn hóa con người hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn đại biểu lan tỏa thông điệp để nhân dân sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, gắn bó giữa gia đình nhà trường và xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, khi nhiệm vụ phát triển văn hóa trở thành nhiệm vụ thường trực của mỗi người dân, nền tảng văn hóa được hình thành một cách tự nguyện trong mỗi cộng đồng, từng cấp từng ngành thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đạo đức xuống cấp.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/xay-dung-nhung-mien-que-dang-song-de-moi-nguoi-dan-di-xa-deu-muon-ve-102231030201621563.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv/620895-xay-dung-nhung-mien-que-dang-song-de-moi-nguoi-dan-di-xa-deu-muon-ve.html