Xây dựng những vở kịch tương tác giúp trẻ tự bảo vệ mình

Thay vì những bài giảng kiến thức kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục lý thuyết suông rất khó hiểu, khó nhớ trung tâm Life Art đã phối hợp một số trường tiểu học tại tỉnh Cao Bằng xây dựng các vở kịch từ những tình huống giả định trong thực tế, học sinh trực tiếp tương tác làm diễn viên... Nhờ đó, các em được trang bị những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục, là cách giúp các em nhỏ có thể tự bảo vệ mình.

Từ năm 2017, ý tưởng về những chuyến đi tình nguyện để thực hiện chương trình “Kịch tương tác trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” được hình thành. Tuy nhiên, đến nay, ý tưởng mới được thực hiện. Với bốn chương trình trong tháng 10 tại bốn trường tiểu học của huyện Quảng Uyên, ba buổi đã diễn ra tại Trường tiểu học Đống Đa, Như Lăng và Lũng Luông (huyện Quảng Uyên) với sự tham gia hào hứng của khoảng 350 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, các em đã trực tiếp chạm đến chủ đề trước nay thường bị né tránh.

Giả định kẻ xấu ôm chặt các em học sinh và cô giáo hỏi cách xử trí của học sinh.

Giả định kẻ xấu ôm chặt các em học sinh và cô giáo hỏi cách xử trí của học sinh.

Tình huống giả định được xây dựng, các giảng viên của nhóm Life Art diễn cảnh một cô bé đang ở nhà một mình, một người bạn của bố mẹ đến chơi, tìm cách chạm vào người, và sau đó rủ cô bé vào buồng kín để nói chuyện, khiến cho cô bé cảm thấy bất an, sợ hãi. Cô bé sẽ hỏi các bạn rằng, cô nên làm gì trong tình huống này. Các em học sinh được mời lên sân khấu thay thế cho nhân vật và thực hiện giải pháp mà mình vừa nghĩ ra. Sau đó, sẽ tự đánh giá kết quả thử nghiệm của mình thông qua những câu hỏi như: Em thấy hài lòng ở mức độ nào? Việc thử nghiệm giúp em nhận ra điều gì? Em rút ra được kinh nghiệm gì cho bản thân? Nếu được làm lại, em có muốn thay đổi điều gì không… và đưa ra các giải pháp để diễn viên thực hiện. Tuy không phải giải pháp nào cũng hiệu quả như tưởng tượng ban đầu, nhưng khán giả sẽ hiểu rằng, luôn có nhiều giải pháp cho một vấn đề và họ đang có một cơ hội đặc biệt để thử nghiệm cách làm mới cũng như diễn tập cho cuộc sống thực tế trong một không gian an toàn.

Học sinh được nhập vai, phân tích các tình huống nguy cơ bị xâm hại, hướng dẫn cách phòng tránh, ghi nhớ kỹ năng bảo vệ bản thân. Những nội dung này cha mẹ, thầy cô giáo ít đề cập. Đây thật sự là sân chơi bổ ích, thiết thực và hiệu quả cho học sinh.

Life Art được thành lập năm 2010. Những lớp học cộng đồng mang tính thực hành, trải nghiệm dành cho người lớn và trẻ em đang được các nhóm hoạt động xã hội, tổ chức, trường học… hợp tác thực hiện. Chị Đặng Minh Thư, Giám đốc trung tâm Life Art cho biết: “Chúng tôi lấy ý tưởng từ những câu chuyện có thật, sau đó khái quát thành một tình huống tiêu biểu có thể xảy ra trong cuộc sống. Vì chuỗi chương trình này hướng đến học sinh tiểu học cho nên câu chuyện cần phải thật đơn giản. Những hoạt động này cần thiết đối với mọi trẻ em nói chung. Chương trình giúp cho học sinh có ý thức về những vùng riêng tư trên cơ thể, biết cách nói “không” khi ai đó có hành vi không an toàn với các em, thoát ra khỏi tầm tay của người đó và kể lại với người lớn để được bảo vệ. Quan trọng nhất là các em có cơ hội trò chuyện, trao đổi một cách cởi mở về chủ đề này, trải nghiệm trong một môi trường an toàn, thử nghiệm một vài cách giải quyết mình nghĩ ra”.

Kịch tương tác không phải là một hình thức truyền thông xa lạ trong môi trường giáo dục. Từ năm 2000 - 2008, hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên Hà Nội và Nghệ An đã được tiếp xúc với kịch tương tác thông qua một dự án về giáo dục sức khỏe sinh sản do Quỹ Dân số thế giới phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Nhà hát kịch David Glass (London, Anh) thực hiện. Lựa chọn kịch tương tác để chuyển tải thông điệp, kiến thức, các em được “lôi kéo” vào câu chuyện hoặc tình huống giả tưởng, từ người thụ động tiếp nhận chuyển thành người chủ động xử lý tình huống, từ đó có kỹ năng phòng vệ.

HẰNG LINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/xay-dung-nhung-vo-kich-tuong-tac-giup-tre-tu-bao-ve-minh-d84684.html