Xây dựng nông thôn mới: Cây keo, con bò đưa Quế An (Quảng Nam) đi lên

Dù được xem là xã khó khăn của huyện Quế Sơn (Quảng Nam), nhưng những năm qua Quế An đã có những bứt phá mạnh mẽ nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Có NTM, diện mạo khắp các làng quê ở xã Quế An đã nhanh chóng thay đổi, đời sống người dân ngày càng khấm khá, sung túc...

Hạ tầng được đầu tư xây dựng

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lương Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Quế An cho biết: Là xã còn nhiều khó khăn nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, Quế An gặp rất nhiều trở ngại và thách thức. Đặc biệt, xã có điểm xuất phát thấp, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và sống chủ yếu dự vào nông nghiệp. Làm thế nào để Chương trình xây dựng NTM đạt được hiệu quả là điều mà Đảng ủy, lãnh đạo xã luôn trăn trở tìm hướng đi thích hợp.

Trồng keo là thế mạnh của xã Quế An, với trên 70% số hộ có rừng. Ảnh: T.H

Qua hơn 6 năm thực hiện xây dựng NTM, Quế An đã xây dựng được 13,46km đường từ trung tâm xã đến huyện, bê tông hóa được 10,72km đường trục thôn, liên thôn, 5,85km đường ngõ xóm, kiên cố hóa được 1,34km kênh mương.

Theo ông Phước, nhờ thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân giám sát” nên những năm qua bộ mặt nông thôn ở Quế An đã có nhiều thay đổi, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, trường lớp.

Bên cạnh việc đầu tư giao thông, hàng loạt các công trình phúc lợi khác cũng được xã Quế An đầu tư hoàn chỉnh, như: trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, khu thể thao… Xã có sân vận động tại thôn Thắng Tây làm nơi vui chơi, giải trí cho người dân; 8/8 thôn có nhà văn hóa phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng.

Năm 2017 xã đã đầu tư xây dựng 2 sân bóng chuyền và 2 công trình nhà vệ sinh cho 2 nhà văn hóa thôn Thắng Tây và Thắng Đông 2. Trạm y tế xã được xây dựng mới, khang trang với kinh phí 3,2 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Tất – Trưởng thôn Châu Sơn 1, cho hay: “Từ ngày triển khai Chương trình xây dựng NTM của xã, bà con trong thôn ai ai cũng hăng say lao động sản xuất, đóng góp ngày công, hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, các công trình dân sinh, công trình phúc lợi cũng được đầu tư. Giờ đây đi khắp các con đường quê ở Châu Sơn 1, đường sá được bê tông hóa thông thoáng, sạch đẹp và môi trường sống đã đổi thay hơn trước rất nhiều…”.

Cây keo, con bò đưa Quế An đi lên

Theo ông Lương Văn Phước, để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Quế An đã chú trọng xây dựng được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng lúa, trồng khoai lang, chăn nuôi bò, lợn, gà… Đặc biệt là mô hình trồng rừng và vườn ươm cây keo giống đã giúp cho bà con nâng cao thu nhập đáng kể.

Toàn xã Quế An có 450ha trồng keo, với hơn 70% số hộ trong xã tham gia trồng rừng. Xác định cây keo nguyên liệu là cây sản xuất chủ lực, là cây phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu của Quế An để góp phần giảm nghèo bền vững, vì vậy trong những năm qua, địa phương này luôn khuyến khích bà con nhân dân đẩy mạnh trồng rừng và mở rộng diện tích. Nhờ đó mà nhiều diện tích đất cằn cỗi trước kia được thay thế bằng một màu xanh mượt của cây keo.

“Điển hình trong phát triển kinh tế xã phải kể đến mô hình trồng rừng của hộ ông Trương Văn Chè ở thôn Thắng Tây, trồng 2,5ha keo; hộ ông Lê Văn Nhật ở thôn Thắng Đông 2 trồng gần 2ha; hộ ông Nguyễn Thượng, ở thôn Châu Sơn 1 trồng hơn 2ha… Hiệu quả lớn phải kể đến mô hình vườn ươm cây keo giống của hộ ông Nguyễn Hùng Dũng ở thôn Thắng Đông 1; ông Nguyễn Ngọc Vui ở thôn Thắng Tây. Hay mô hình nuôi bò - lợn kết hợp có hộ bà Triệu Thị Phi Yến ở thôn Đông Sơn; gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Châu Sơn 1… Các hộ tiêu biểu trên thu nhập bình quân hàng năm đạt từ 150-200 triệu đồng/hộ/năm” - ông Phước cho biết.

Trần Hậu - Đại Nghĩa

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/xay-dung-nong-thon-moi-cay-keo-con-bo-dua-que-an-quang-nam-di-len-889020.html