Xây dựng nông thôn mới: Nỗ lực giữ chuẩn tiêu chí số 18

Theo thống kê, toàn tỉnh có 126 xã đạt tiêu chí (TC) số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật trong Bộ Tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đây là một trong những TC mà nhiều xã đạt được. Tuy nhiên, để đạt chuẩn đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó hơn.

Dễ nhưng khó duy trì

Theo quy định, để đạt TC số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật phải đạt 6 chỉ tiêu mềm gồm: Cán bộ, công chức xã đạt chuẩn; có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định; Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; 100% tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên; xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định; đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống. Tuy không cần nhiều nguồn vốn để đầu tư như các tiêu chí giao thông, thủy lợi, nhưng TC số 18 cùng với các tiêu chí mềm khác như văn hóa, quốc phòng, an ninh... tuy dễ đạt, nhưng để giữ chuẩn thì gặp không ít thách thức.

Người dân liên hệ làm thủ tục giấy tờ tại UBND xã Ba Tô (Ba Tơ).

Hiện nay, xã Sơn Long (Sơn Tây), đã đạt được 11/19 TC NTM, trong đó có TC số 18. “Chương trình NTM là giải pháp cơ bản giúp nâng cao đời sống người dân, phát triển cơ sở hạ tầng và góp phần ổn định chính trị xã hội. Qua thực hiện TC số 18 đã giúp số lượng cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định ngày càng tăng. Hệ chính chính trị ở cơ sở được tăng cường, vững mạnh.

Tuy nhiên, để giữ chuẩn vẫn còn nhiều thách thức, bởi một số cán bộ lớn tuổi không tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ, đặc biệt là về văn hóa. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức chưa có ý thức tự giác học tập, bồi dưỡng để đạt chuẩn”, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho hay.

Chủ tịch UBND xã Ba Vinh (Ba Tơ) Phạm Văn Rạch cho biết: Những năm trước, trên địa bàn xã có xảy ra một số vụ bạo hành gia đình, địa phương đã xử lý các trường hợp vi phạm và tuyên truyền để không tái diễn. Nhờ đó, cộng với sự nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu còn lại, địa phương đạt TC số 18. Song cũng giống như TC số 19, việc giữ chuẩn là rất mong manh.

Theo thống kê, tính đến 30.6, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có 3.819 người, trong đó cán bộ 1.842 người, công chức 1.977 người. Về trình độ văn hóa: THPT chiếm 99,37%, THCS 0,6%, Tiểu học chiếm 0,03%. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sau đại học 53 người (1,39%), đại học 2.607 người (68,26%), cao đẳng 94 người (2,46%)... Về trình độ lý luận chính trị, cao cấp, cử nhân 105 người (2,75%), trung cấp 2.788 người (73%), sơ cấp 543 người (14,2%), chưa qua đào tạo 383 người (10,03%)...

Nỗ lực giữ chuẩn

Đối với các địa phương miền núi, vì địa hình cách trở, đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, nên việc tiếp cận với pháp luật có phần hạn chế, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng xa. “TC số 18 gồm các chỉ tiêu đánh giá toàn diện về hệ thống chính trị địa phương và việc tiếp cận pháp luật của người dân. Tuy nhiên, vì người dân ít khi đọc sách, báo, nên để thuận lợi trong vấn đề tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương, pháp luật, cần đẩy mạnh qua hệ thống phát thanh cơ sở, giúp người dân dễ tiếp cận hơn”, Chủ tịch UBND xã Ba Tô (Ba Tơ) Thành Minh Thuận bày tỏ.

Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, TC số 18 là tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Để giữ chuẩn TC này, địa phương ưu tiên cử cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn đi đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa theo quy định. Phấn đấu xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng... Đồng thời, phấn đấu đạt chuẩn nội dung tiếp cận pháp luật theo quy định.

Bài, ảnh: HUỲNH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202011/xay-dung-nong-thon-moi-no-luc-giu-chuan-tieu-chi-so-18-3029891/