Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình: Xã vung tay quá trán, nợ dây dưa

Ứng tiền vật liệu xây dựng cho thôn làm đường, nhưng không được thanh toán, một hộ dân đã phải bán nhà trả nợ và đi ở nhờ.

 Ông Nguyễn Đức Chí phản ánh về việc bị thôn nợ tiền công thợ từ năm 2013. Ảnh: Kế Toại.

Ông Nguyễn Đức Chí phản ánh về việc bị thôn nợ tiền công thợ từ năm 2013. Ảnh: Kế Toại.

Nợ ngập đầu

Vụ việc nêu trên đã và đang diễn ra tại xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Điều đáng bàn, xã này vừa được công nhận đạt chuẩn NTM cuối năm 2019. Vui thì ít, nỗi lo ngập tràn, khi mà 6 năm qua, người dân viết đơn từ cầu cứu, khiếu nại cho tới tố cáo… gửi khắp nơi đòi nợ chính quyền.

Nhiều người dân thôn Sòi 2 cho rằng, nguyên nhân của việc nợ nần là lãnh đạo thôn thu chi không minh bạch, lại vung tay quá trán dẫn tới mất khả năng chi trả.

Anh Hà Đình Tân, thôn Sòi 2 (xã Phúc Khánh) cho biết, năm 2013, thôn và xã bắt đầu phát động phong trào toàn dân xây dựng NTM. Khi đó, gia đình anh đang kinh doanh vật liệu xây dựng.

Được sự đồng ý của toàn thôn, anh Tân đứng ra cung ứng đá, cát để chính quyền mở rộng ngõ xóm. Mọi việc mua bán, anh Tân đều ghi chép, ký hợp đồng với lãnh đạo thôn, đại diện là ông Nguyễn Đức Quý – trưởng thôn.

Hết năm 2013, số tiền anh Tân ứng để mua vật liệu xây dựng là 207 triệu đồng. Theo hợp đồng, sau 1 năm, nếu thôn không trả sẽ tính lãi suất như vay ngân hàng. Anh Tân giải thích, bởi lẽ, số tiền này gia đình cũng đi vay ngân hàng, anh em chứ không có sẵn.

Căn nhà kiên cố gia đình anh Tân phải bán để trả nợ ngân hàng. Ảnh: Kế Toại.

Cũng theo anh Tân, sau 6 năm đi đòi, nhiều lần họp thôn, thì tới tháng 9/2019, ông Quý đã đứng ra trả số tiền 207 triệu đồng. Riêng số tiền lãi, tính đến nay khoảng 120 triệu đồng, thôn Sòi 2 vẫn nợ gia đình anh Tân.

Không chỉ nợ vật liệu xây dựng, những người thi công làm đường, mương thoát nước cho thôn Sòi 2 tới nay vẫn chưa nhận được tiền.

Ông Nguyễn Đức Chí, tổ trưởng nhóm thợ cho biết, năm 2013, nhóm 6 – 7 thợ được thôn thuê làm nhiều hạng mục như đào đường, xây cống thoát nước, đổ mặt bê tông bờ mương, sửa chữa các đoạn đường hư hỏng…

Tổng số tiền công thợ của nhóm ông Chí là 98 triệu đồng, thôn đã trả 33 triệu đồng. Số tiền nợ còn lại 65 triệu đồng, từ năm 2013 tới nay, ông Chí vẫn chưa nhận được.

“Tôi đã rất nhiều lần tới gặp trưởng thôn, kiến nghị lên cả xã nhưng vẫn chưa nhận được tiền. Giờ thì vẫn đòi, nhưng chán rồi, nói vui chứ tôi đi mòn cả gót chân mà đã nhận được tiền đâu”, ông Chí thở dài.

Ngoài gia đình anh Tân, ông Chí, theo tìm hiểu, thôn Sòi 2 còn đang nợ gia đình ông Hà Đình Boong tiền vật liệu xây dựng khoảng 105 triệu đồng.

Gia đình anh Tân, chị Hậu phải đi dựng nhà tạm ở nhờ trên đất công của xã. Ảnh: Kế Toại.

Vì nợ nần, gia đình anh Tân lâm vào bước đường cùng, rốt cục phải bán nhà trả nợ. Trời mưa lâm thâm, anh Tân dẫn tôi về thăm mảnh vườn, căn nhà cũ đã bán cách đây 3 năm cho một hộ cùng thôn.

Anh Tân ngồi trong căn nhà một tầng kiên cố, nằm trên mảnh đất hơn 1.000 mét vuông mà mắt đỏ au. Căn nhà, mảnh đất từng là nơi sinh sống của 5 con người, nay đã thuộc về người khác. Bán nhà được 295 triệu, anh Tân trả nợ 2 ngân hàng hết 230 triệu đồng, số còn lại trả anh em, bạn bè… Tay trắng!

Sau khi bán nhà trả nợ, anh Tân cùng vợ và các con phải dắt díu nhau ra ở nhờ trên mảnh đất công của UBND xã Phúc Khánh.

Chị Cao Thị Hậu, vợ anh Tân ngậm ngùi bảo, thà bán nhà trả nợ còn hơn để người ta suốt ngày đến đòi. Đi ở nhờ, gia đình 5 người dựng căn nhà tạm, kinh doanh thêm hàng tạp hóa để lấy kế sinh nhai.

Nông thôn mới "chín ép"?

Ngày 17/3 vừa qua, hàng chục người dân thôn Sòi 2 tiếp tục đồng ký đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Quý gửi lên UBND tỉnh Thái Bình.

Theo đó, không chỉ thu chi thiếu minh bạch, dẫn tới nợ nần, lãnh đạo thôn Sòi 2 còn có dấu hiệu bán đất công để trục lợi. Bên cạnh đó, người dân còn chỉ ra, việc xã Phúc Khánh được công nhận đạt chuẩn NTM chỉ là "chín ép".

Nhà văn hóa thôn Sòi 2 thực chất là trường mầm non cũ, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Kế Toại.

Theo người dân, nhà văn hóa 3 thôn là Sòi 1, Sòi 2, Bản đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không hiểu sao vẫn đạt chuẩn tiêu chí xây dựng NTM. Phóng viên đã đi cùng người dân để mục sở thị 3 công trình “đạt chuẩn” này.

Nhà văn hóa thôn Sòi 2 thực tế chỉ là căn nhà nhỏ, lợp mái ngói, rộng chừng 35 mét vuông. Bốn trụ cột hiên nhà được xây bằng gạch non, bong tróc, vữa rơi từng mảng.

Theo người dân, đây vốn là trường mầm non của thôn, được tận dụng làm nơi hội họp, sinh hoạt. Do công trình lâu đời, xuống cấp, nên ai nấy nơm nớp lo sợ mỗi khi… được mời họp. Công trình hoàn toàn không có cổng, tường bao bảo vệ, rất may cửa còn được khóa.

Hai nhà văn hóa còn lại thì rộng hơn chút, nhưng cũng ẩm thấp, xập xệ không kém thôn Sòi 2.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà xác nhận việc người dân phản ánh về nhà văn hóa là đúng. Hiện nay huyện đã giao Phòng Văn hóa – thông tin xác minh làm rõ.

Cận cảnh nhà văn hóa thôn Sòi 2 của xã đạt chuẩn NTM Phúc Khánh. Ảnh: Kế Toại.

Ông Bùi Viết Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa – thông tin huyện Hưng Hà một lần nữa xác nhận ý kiến của người dân. Lý giải về việc một loạt nhà văn hóa xuống cấp nhưng Phúc Khánh vẫn đạt chuẩn NTM, ông Tuấn cho rằng, xã, huyện đều biết nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, phải ưu tiên đầu tư các công trình khác như trụ sở, nhà văn hóa UBND xã, trường học, trạm y tế…

Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, xã “nợ” một số tiểu mục trong xây dựng cơ bản. Cũng theo ông Tuấn, huyện đã kiểm tra, đánh giá việc này. Tới đây, huyện sẽ cân đối ngân sách, lên phương án hỗ trợ xã Phúc Khánh nâng cấp, cải tạo 3 nhà văn hóa để sớm đạt chuẩn theo quy định.

Phóng viên về liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Phúc Khánh nhưng đúng thời gian địa phương tổ chức đại hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ những tố cáo của người dân…

KẾ TOẠI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-thai-binh-xa-vung-tay-qua-tran-no-day-dua-d260528.html