Xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên: Sẽ không chỉ dừng lại ở con số

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), với việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, Chương trình đã đạt và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra, là tỉnh dẫn đầu 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc trong thực hiện phong trào xây dựng NTM. Khẳng định, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, Thái Nguyên phấn đấu để đạt được những kết quả tốt hơn, đưa chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, với quyết tâm chính trị cao, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trung tâm bao trùm; bằng nỗ lực, phấn đấu, điều hành quyết liệt và năng động của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, nông thôn Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, với việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù như: Cơ chế hỗ trợ kinh phí và xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua triển khai các dự án, đề án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh… Chương trình đã đạt và hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đề ra. Đến hết năm 2019 số xã đạt chuẩn NTM 101 xã, về đích trước 01 năm; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM: 03 đơn vị, vượt 01 đơn vị và về đích trước 02 năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,63 triệu đồng/người/năm (vượt 2,63 triệu đồng, về đích trước 01 năm). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 8,47%; thấp hơn 8,6% so với tỷ lệ hộ nghèo khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc (17,07%).

Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ tham gia vào xây dựng NTM, chuyển từ phải làm sang thành khát vọng xây dựng NTM. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng NTM. Niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền được nâng cao. Người dân tự thấy được và được thực hiện những hành động cụ thể đóng góp xây dựng quê hương mình.

Hạ tầng kinh tế - xã hội được ưu tiên nguồn lực đầu tư, phát triển mạnh mẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Đến nay, 100% các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện, hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng đều được được đầu tư trải nhựa hoặc bê tông hóa, cứng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản. Hệ thống điện lưới điện trung, hạ thế được đầu tư đã phủ kín 100% các xã, xóm trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu điện sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh, đã xóa được các xóm bản “trắng điện” chưa được đầu tư điện lưới quốc gia….

Kinh tế tập thể từng bước được củng cố và phát triển, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản như: Vùng Chè đặc sản Tân Cương - thành phố Thái Nguyên, Trại Cài - huyện Đồng Hỷ, La Bằng - huyện Đại Từ, Tức Tranh - huyện Phú Lương; vùng lúa đặc sản Nếp Thầu Dầu Phú Bình, nếp Vải Phú Lương, gạo Bao Thai Định Hóa;... Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi trang trại theo quy mô công nghiệp, an toàn sinh học ngày càng phát triển. Từ những phát triển tích cực trong sản xuất đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Tổng kết thành quả 10 năm xây dựng NTM, Thái Nguyên không chỉ đạt và vượt mục tiêu đề ra, mà các nội dung xây dựng NTM đã ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng NTM khu vực miền núi phía Bắc được Trung ương đánh giá là tỉnh dẫn đầu 14 tỉnh trong thực hiện phong trào xây dựng NTM.

Quán triệt quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể” và “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Ông Dương Văn Lượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên – cho hay, Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn; huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho các xã chưa đạt chuẩn, nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn, trong đó đặc biệt quan tâm dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ các xã có tiêu chí đạt thấp. Đối với các xã và đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng từ các mô hình “hộ gia đình NTM”, “xóm NTM kiểu mẫu”, “vườn mẫu”. Lấy mô hình xây dựng “xóm NTM làm hạt nhân”.

Đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua để xây dựng NTM Thái Nguyên tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất; bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng NTM bền vững.

Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 130 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu từ 6 đơn vị cấp huyện trở lên được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 20 xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu; Bình quân tiêu chí theo bộ tiêu chí về xã NTM đạt 18,5 tiêu chí/xã; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2% /năm trở lên. Dự kiến tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 11.400 tỷ đồng.

Lan Hương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-nong-thon-moi-thai-nguyen-se-khong-chi-dung-lai-o-con-so-127500.html