Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Cần giải quyết tốt bài toán rác thải

Sáng ngày 13/11, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm: Rà soát tiến độ các huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019.

Báo cáo tiến độ các huyện đăng ký đạt chuẩn NTM, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019 và năm 2020, ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong năm 2019, có 2 huyện Sóc Sơn, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây đăng ký đạt chuẩn NTM.

Đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 20/25 xã về đích; còn 5 xã phấn đấu hoàn thành trong năm 2019. Qua rà soát 9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện có 8 tiêu chí đạt, còn 1 tiêu chí cơ bản đạt là môi trường.

Đối với huyện Phúc Thọ, 22/22 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành chương trình NTM. Địa phương cũng đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Tương tự, thị xã Sơn Tây có 6/6 xã về đích NTM. Hiện, đang lấy ý kiến nhân dân theo hướng dẫn tại Quyết định số 2540/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các huyện đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2020 gồm: Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai và Thường Tín.

Tại hội nghị, vấn đề được các huyện đưa ra bàn thảo và đề xuất với thành phố trong việc xây dựng NTM gồm: Các chính sách của thành phố nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, tham gia chế biến nông sản; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi; cứng hóa giao thông nội đồng… đặc biệt là vấn đề môi trường các làng nghề.

Đại diện huyện Chương Mỹ kiến nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như: Làng nghề mây tre đan, chế biến thực phẩm; xây dựng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện nhằm phát hiện xử lý kịp thời sự cố ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ kinh phí xây dựng điểm trung chuyển rác thải đảm bảo thu gom và vận chuyển, lưu trữ tạm thời chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian khu xử lý rác thải tập ttrung của thành phố tạm dừng tiếp nhận.

Đánh giá cao và biểu dương những kết quả các huyện, thị xã đã đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội - ông Nguyễn Văn Sửu - đồng thời nhấn mạnh, các địa phương không được phép tự bằng lòng, thay vào đó, cần tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM đã đạt.

Đối với thị xã Sơn Tây, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu đề nghị hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan cấp trên cho ý kiến ngay trong năm 2019. 2 huyện Sóc Sơn và Phúc Thọ tập trung củng cố lại các tiêu chí. Phối hợp với các sở ban ngành rà soát khó khăn vướng mắc, kiến nghị đề xuất thành phố, các bộ, ngành trung ương tập trung tháo gỡ.

“Cùng với Sóc Sơn, Phúc Thọ, trong năm tới phải có thêm 4 huyện khác là Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín về đích NTM, do đó, cần bắt tay thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm 2020.…”, ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Bên cạnh xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Sửu đề nghị các địa phương tập trung hơn cho phát triển nông nghiệp. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kiểm soát an toàn, nhất là dịch bệnh động vật. Tăng cường khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề, tháo gỡ và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nông dân…

Liên quan tới các vấn đề nông thôn, ông Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, rác thải đang là bài toán mà các địa phương cần quan tâm nhiều nhất. Hiện, ô nhiễm môi trường ở nông thôn đang rất nghiêm trọng. Do đó, đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, giải quyết tốt bài toán này để tạo môi trường sống tốt lành hơn cho người dân…

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-nong-thon-moi-tai-ha-noi-can-giai-quyet-tot-bai-toan-rac-thai-128200.html