Xây dựng nông thôn mới từ góc nhìn văn hóa

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được khẳng định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc (Trong ảnh: Đường giao thông xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An)

Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc (Trong ảnh: Đường giao thông xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An)

Xây dựng NTM với mục tiêu chính là xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa (VH) dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Như vậy, xét về tổng thể, việc XDNTM cũng là một nội dung của VH vì nó hướng đến mục tiêu làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn.

Trong quá trình XDNTM, VH giữ vai trò rất quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về XDNTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 318/QÐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, có 2 tiêu chí liên quan trực tiếp đến lĩnh vực VH đó là tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất VH và tiêu chí số 16 về ấp VH, khu phố VH. Hai tiêu chí này liên quan mật thiết với nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển, vừa giúp gìn giữ giá trị truyền thống, vừa tạo sự xác lập đời sống VH mới, làm tiền đề phát triển nhiều nhân tố khác. Để đạt 2 tiêu chí trên không phải là điều đơn giản, rất nhiều địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn trong quy hoạch quỹ đất, kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất VH cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí để được công nhận ấp VH, khu phố VH, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề nan giải, mà vấn đề cần quan tâm là việc duy trì và phát huy nội dung 2 tiêu chí này sau khi xây dựng hoàn thành. Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các thiết chế VH được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 146/188 trung tâm VH - thể thao và học tập cộng đồng được ngân sách tỉnh và huyện đầu tư xây dựng, có 992/996 ấp, khu phố có nhà VH.

Tuy nhiên, thực trạng chung hiện nay là việc phát huy hiệu quả của các thiết chế VH còn hạn chế. Mặc dù tăng nhanh về số lượng, được đầu tư xây dựng khang trang nhưng công năng của các công trình vẫn chưa được khai thác triệt để. Nhiều thiết chế VH chỉ hoạt động cầm chừng, mới dừng lại ở các buổi hội họp của cộng đồng và một số dịp lễ, tết. Không ít nhà VH thường xuyên đóng cửa, chỉ mang tính hình thức, rất lãng phí. Ðể giải quyết tình trạng này, cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các địa phương với nhận thức: XDNTM không thể thiếu việc xây dựng cơ sở vật chất cho VH và thể thao nhưng không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ xây “cái vỏ” tức là cái nhà, trụ sở mà phải đồng thời đầu tư cho “cái ruột” tức là hoạt động phong phú, đa dạng, thu hút được người dân tham gia.

Riêng tiêu chí số 16 về ấp VH, khu phố VH. Tiêu chí này liên quan rất lớn đến việc thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH. Một xã khi được công nhận danh hiệu VH thì về cơ bản đã đạt một vài tiêu chí trong XDNTM. Việc đạt danh hiệu VH đã khó nhưng việc giữ vững được danh hiệu này lại là một thách thức rất lớn. Trên địa bàn tỉnh, hiện nay, có 994/996 ấp, khu phố đạt chuẩn VH. Trong đó, hầu hết các xã XDNTM đều có 100% số ấp đạt tiêu chuẩn ấp VH. Tuy nhiên, sau các đợt phúc tra của cơ quan chức năng thì rất ít nơi có sự nâng lên về điểm số, trong khi một số nơi có nguy cơ không giữ vững được danh hiệu hoặc chất lượng không được cải thiện.

Phải khẳng định rằng, XDNTM là chủ trương đúng đắn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, XDNTM văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được những nét đẹp riêng, những giá trị truyền thống lại là điều luôn được quan tâm. Thực tế cho thấy, cùng với quá trình XDNTM, diện mạo làng quê dần khởi sắc; hình ảnh những lũy tre làng, cây đa, giếng nước, sân đình, nét đặc thù của làng quê Việt Nam sẽ dần mất nếu chúng ta không có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nó. Quá trình XDNTM làm sao phải giữ bằng được những nét đặc thù vì nó là linh hồn của làng quê Việt Nam; cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển để vừa có thể thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại, song vẫn giữ được hồn quê, bản sắc VH của dân tộc. Để làm được điều này cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Chương trình XDNTM chỉ thật sự thành công khi nó vừa làm khởi sắc bộ mặt nông thôn với một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, vừa giữ gìn được những nét VH truyền thống, những giá trị VH vật thể, phi vật thể, xây dựng được con người mới của nông thôn vừa là chủ thể xây dựng cũng vừa là người hưởng thụ, từ đó, họ càng gắn bó với nông thôn, với quê hương và giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng đời sống VH cho nông thôn mới, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Phòng TTTT và LLCT (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xay-dung-nong-thon-moi-tu-goc-nhin-van-hoa-a158747.html