Xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh

Ủy ban Nhân dân tỉnh giao thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu Đề án xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2019-2025.

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Nguồn: ninhthuantourist.com)

Ngày 26/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến lược và giải pháp xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2019-2025 và định hướng đến năm 2030.”

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận; các sở, ban, ngành, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cùng các chuyên gia xây dựng, quy hoạch đô thị trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã đánh giá tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng nêu những tiềm năng, lợi thế và thách thức trong việc quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn hiện nay. Các kết quả thảo luận tại hội thảo sẽ là căn cứ để đơn vị tư vấn bổ sung, hoàn thiện chiến lược xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh thời gian tới.

Tại hội thảo, giáo sư-tiến sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chia sẻ khái niệm, bản chất, lợi ích của việc xây dựng đô thị thông minh, cách tiếp cận dựa trên các yếu tố về kỹ thuật, văn hóa trong quy hoạch xây dựng đô thị văn minh bền vững ở một số nước.

Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông cũng chỉ ra năm thách thức trong phát triển đô thị thông minh như thiếu nguồn tài chính, thách thức về công nghệ và dữ liệu, yếu tố con người, văn hóa đô thị, phối hợp liên ngành trong xây dựng đô thị thông minh để thành phố có sự chuẩn bị tốt nhất.

Hướng đến những vấn đề cụ thể trong xây dựng đô thị văn minh, ông Emmanuel Delarue, Tổng Giám đốc Tập đoàn NDA Group (Pháp), cho rằng công nghệ số chỉ là công cụ còn mục đích chính của đô thị thông minh là hướng đến phục vụ con người.

Dựa trên những điều kiện đặc thù của địa phương, Ninh Thuận cần áp dụng ở một vài lĩnh vực cụ thể như giao thông thông minh, môi trường thông minh, kinh tế thông minh, điều kiện sống thông minh, sáng kiến khu vực triển khai thí điểm ở diện hẹp, sau đó làm cơ sở nhân rộng ra toàn thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm Văn Hậu nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với định hướng phát triển lâu dài, bền vững của thành phố Phan Rang-Tháp Chàm nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung.

Những ý kiến, đề xuất giải pháp phát triển đô thị thông minh của đại biểu, chuyên gia đưa ra tại hội thảo vừa mang tính chiến lược vừa phù hợp với điều kiện thực tế nhằm khai thác tối đa các tiềm năng phát triển của thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai Đề án xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2019-2025 và định hướng đến năm 2030, bắt đầu vào cuối năm 2019.

Để thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phát triển bền vững hơn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, môi trường sống đô thị ngày càng nâng cao, trong thời gian tới tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện các chương trình đầu tư thông minh, chính sách thông minh, công nghệ thông minh, song song với đó là tiếp tục phát triển các loại hình dịch vụ đô thị chất lượng, hiện đại theo một kế hoạch phát triển đồng bộ để tất cả người dân đều được thụ hưởng những lợi ích mà thành phố thông minh mang lại./.

Theo Nguyễn Thành (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/xay-dung-phan-rang-thap-cham-tro-thanh-thanh-pho-thong-minh.html