Xây dựng pháp luật cần bảo đảm tính khả thi

Khi xây dựng pháp luật phải luôn chú ý đến tính khả thi, phù hợp với cơ chế thi hành pháp luật hiện hành. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tổ chức thi hành và giám sát, theo dõi thi hành pháp luật. Triệt để thực hiện tinh thần thượng tôn Hiến pháp, củng cố cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Nâng cao trách nhiệm, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp, gián tiếp vào quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua các dự án văn bản pháp luật.

Đây là kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo khoa học hoàn thiện hệ thống pháp luật 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức sáng nay 30.5, tại Hà Nội.

Hiến pháp - “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật

Phát biểu tại Hội thảo, TS.Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 9.11.2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp, nội dung trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

TS.Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

TS.Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, có hiệu lực pháp lý cao nhất, chứa đựng những quy định có tính chất nền tảng, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Hiến pháp năm 2013, sau gần 10 năm thi hành, đã phát huy vai trò của đạo luật cơ bản, mở ra những nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc và ổn định cho sự phát triển của đất nước. Từ quá trình thi hành Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật đã dần được hoàn thiện và đầy đủ hơn.

Cũng theo TS.Đoàn Trung Kiên, bên cạnh đó cũng cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật cần được tiếp tục hoàn thiện. Trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những biến đổi to lớn, cùng với xu thế phát triển nhanh và sâu rộng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, cho thấy nhu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, là đòi hỏi mang tính quy luật phát triển, là nguyện vọng và sự lựa chọn của Nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, do đó, càng trở thành yêu cầu khách quan, cấp bách hơn bao giờ hết.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Đề cập đến nhà nước pháp quyền, GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, pháp quyền là cái lõi, là trung tâm của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trục trọng tâm của pháp quyền là nói về vai trò, vị trí tối thượng của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội.

Nâng cao năng lực của những cơ quan, người trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật

Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, các giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới là các phương pháp cụ thể để thực hiện các định hướng nhiệm vụ của hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới, hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu, trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nghị quyết số 27 đã xác định 42 nhóm giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó có các nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật.

Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về Hiến pháp và pháp luật nói riêng, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để bảo đảm chủ quyền nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò chủ thể, trung tâm của Nhân dân; phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của Nhân dân; thực hiện phương châm tổng quát “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Tiếp tục cụ thể hóa các quyền hiến định; tổ chức thực hiện tốt pháp luật về quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đề cao trách nhiệm của các thiết chế nhà nước trong tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

GS. TS Hoàng Thế Liên - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế pháp luật về cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc pháp quyền; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Hoàn thiện pháp luật về hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Minh Đoan – nguyên Phó trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

Trong khi đó, đề cập đến giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, GS.TS. Nguyễn Minh Đoan – nguyên Phó trưởng Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần nâng cao năng lực, phẩm chất của những cơ quan, người trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật. Phát huy hơn nữa vai trò của các nhà khoa học trong hoạt động xây dựng pháp luật. Cần tạo điều kiện để các nhà khoa học - lực lượng vừa tinh hoa vừa độc lập hơn tham gia xây dựng, phản biện dự thảo các văn bản pháp luật. Thực hiện tham vấn bắt buộc về các dự án luật đối với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật.

Cùng với đó, thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật, các luật ngày càng giữ vị trí trung tâm, trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tập trung phân tích chính sách pháp luật, đánh giá tác động của pháp luật (RIA) một cách thực chất. Đối với một số văn bản với những chính sách pháp luật mới được coi là nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân thì nên thăm dò dư luận xã hội, chọn thời điểm khi ban hành để đạt hiệu quả cao. Đồng thời phải thường xuyên đánh giá hiệu quả các văn bản, quy định pháp luật trong quá trình rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Để có được một hệ thống pháp luật với các nguồn luật phù hợp, có tính khả thi và đạt hiệu quả cao cần phải thường xuyên tiến hành rà soát hệ thống pháp luật hiện hành. Qua đó, phát hiện những điểm không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và những lỗ hổng của hệ thống pháp luật để từ đó có biện pháp khắc phục, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống nhà nước và xã hội.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung - Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp

“Thực hiện tốt công tác hệ thống hóa pháp luật không những làm cho hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện mà còn tạo điều kiện để việc thực hiện và áp dụng pháp luật được tiến hành thuận lợi, có hiệu quả hơn; nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức nhà nước và nhân dân; cho phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nhà chức trách) dễ dàng tìm kiếm những quy định cần thiết, làm sáng tỏ tư tưởng và nội dung của chúng để áp dụng một cách đúng đắn, chính xác, đạt hiệu quả trong các hoạt động nhà nước; tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tốt hơn” - GS.TS. Nguyễn Minh Đoan nói.

Hà An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/xay-dung-phap-luat-can-bao-dam-tinh-kha-thi-i330770/