Xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản

Trong những năm qua, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân quan tâm và đầu tư. Đây chính là 'điểm tựa' để nông sản Sơn La phát triển bền vững.

Sản phẩm nông sản của các địa phương trưng bày tại Đại hội Đảng bộ Sở KH&ĐT, nhiệm kỳ 2020-2025.

Là tỉnh có lợi thế và tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp, nhưng nhìn lại công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản những năm trước đây còn nhiều hạn chế; các tổ chức và cá nhân lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu; chưa có chiến lược dài hạn trong xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn một cách tập trung và bài bản, từ việc nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng mô hình, đến việc đổi mới, xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp trong nông nghiệp, nông thôn miền núi. Trong đó, tập trung xây dựng liên kết giữa hộ nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản phẩm sạch, an toàn, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhằm quy chuẩn quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn, tạo tính bền vững của sản xuất và sản phẩm nông nghiệp; tìm kiếm thị trường đảm bảo tốt nhất đầu ra cho sản phẩm; tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đi vào cả các thị trường khó tính nhất.

Thành viên HTX Đảo Ngọc, xã Mường Bú (Mường La) bao trái xoài.

Việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản được đánh dấu từ năm 2011-2013, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tạo lập được nhãn hiệu cho 3 sản phẩm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, mật ong Sơn La. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về sở hữu trí tuệ không ngừng được tăng cường; nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cá nhân đã có những chuyển biến tích cực; đầu tư cho xây dựng phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm dần được hình thành và có chiều hướng phát triển tốt. Đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, công tác xúc tiến xây dựng, phát triển và quảng bá sản phẩm luôn được tỉnh ta coi là một trong các yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, có trọng điểm và ổn định. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND các huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu cho 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 chỉ dẫn địa lý (sản phẩm Chè Shan tuyết Mộc Châu; xoài tròn Yên Châu; cà phê Sơn La); 4 nhãn hiệu chứng nhận (sản phẩm Chè Olong Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; Nhãn Sông Mã; Cam Phù Yên); 2 nhãn hiệu tập thể (sản phẩm Mật ong Sơn La; Chè Tà Xùa Bắc Yên). Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ bước đầu đã dần khẳng định được giá trị trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Năm 2019, có thêm 8 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; phấn đấu năm 2020 có 4 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ và đến hết năm 2021 có thêm 4 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, đưa tổng số sản phẩm nông sản chủ lực có thương hiệu của tỉnh đạt 25 sản phẩm.

Bức tranh toàn cảnh của nông nghiệp Sơn La khá toàn diện với những sản phẩm được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, tìm kiếm với sự tin tưởng cao vào chất lượng và độ an toàn. So với năm 2015, diện tích cây ăn quả tăng 43.223 ha (gấp 2,8 lần); sản lượng tăng 308.711 tấn (gấp 4 lần). Năm 2019, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 150 triệu USD, trong đó đã xuất khẩu được 16 loại nông sản thực phẩm, giá trị đạt 142 triệu USD sang thị trường Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Châu Âu, Trung Quốc... Việc xây dựng thương hiệu đã khó, việc duy trì và phát triển thương hiệu còn khó khăn hơn, đòi hỏi phải có sự đầu tư bài bản và lâu dài về tài chính, nhân lực và thời gian. Đề án phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản giai đoạn 2018-2021 đã và đang được triển khai nhằm mục tiêu là “Phát triển và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản gắn với du lịch canh nông Sơn La trở thành thương hiệu mạnh của Việt Nam. Tập trung các nguồn lực để phát triển và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm rau, hoa, quả, gạo đặc sản, thủy sản, cà phê Arabica và du lịch nông nghiệp tỉnh Sơn La giai đoạn 2018-2021”. Phấn đấu đến năm 2021: Xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho 16 sản phẩm nông sản. Duy trì và phát triển thương hiệu cho 25 sản phẩm nông sản đã có nhãn hiệu được bảo hộ. Giai đoạn 2018 -2021: 100% các sản phẩm có thương hiệu đều xây dựng và hoàn thiện các phương tiện, công cụ truyền thông và quảng bá thương hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết, ghi nhớ, hài lòng, tin tưởng sản phẩm có thương hiệu để lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Đến năm 2021: 100% các sản phẩm có thương hiệu được kết nối thị trường tiêu thụ, tham gia các hội nghị, hội chợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch theo kế hoạch và cơ chế, chính sách của tỉnh. Đến năm 2021: Xây dựng được 3 tuyến du lịch sinh thái, du lịch canh nông, trải nghiệm, gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm có thương hiệu. Giai đoạn 2018 - 2021: Triển khai đồng thời công tác phát triển, quảng bá thương hiệu với quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; nhấn mạnh sự an toàn, chất lượng và chuyên nghiệp của sản phẩm, dịch vụ khi gắn thương hiệu.

Trong thời kỳ kinh tế hội nhập hiện nay, hoạt động duy trì, phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm có thương hiệu có ý nghĩa hết sức quan trọng cần được đẩy mạnh, có đầu tư và chuyên nghiệp. Để đạt được tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng, duy trì, phát triển sản phẩm; quản lý chất lượng sản phẩm; quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản đã có thương hiệu. Đồng thời, gắn với các giải pháp về cơ chế, chính sách; về đào tạo, chuyển giao công nghệ; xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế. Đây sẽ là nền tảng, động lực để đưa sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã có thương hiệu của tỉnh trở thành thương hiệu mạnh, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng vào thương hiệu để lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu; là cầu nối cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiêu thụ ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Huy Ngoan

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xay-dung-phat-trien-thuong-hieu-san-pham-nong-san-30594