Xây dựng, phát triển tour, tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL

Ngày 29/3, tại TP Cần Thơ, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo: 'Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long'.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ; Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, cùng lãnh đạo các Viện, trường Đại học, nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Toàn cảnh Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”, sáng ngày 29/3

Hội thảo kỳ vọng lắng nghe ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trong việc đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, định hình tour, tuyến và sản phẩm chủ đạo, đặc trưng nhằm kết nối hiệu quả điểm đến trong chuỗi liên kết hợp tác phát triển du lịch toàn vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố.

Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương…

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL dù có nhiều điều kiện phát triển du lịch nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng, trong đó có những hạn chế khó khăn về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù

“Với Hội thảo lần này, tôi tin tưởng rằng sẽ có nhiều ý kiến phát biểu phân tích, đánh giá về thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay cho du lịch ĐBSCL phát triển trong thời gian tới” - ông Nguyễn Thực Hiện nói.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhận định, chủ đề Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL” vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh phục hồi phát triển du lịch tại các tỉnh ĐBSCL hiệu quả, bền vững và vinh danh các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các khu du lịch có những hoạt động nổi bật trong thời gian qua.

“Sau một thời gian chuẩn bị, với sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp làm du lịch, chúng tôi đã nhận được hơn 20 tham luận. Đây là những bài viết chuyên sâu, có tính nghiên cứu, phân tích những khó khăn, hạn chế để đưa ra những kiến giải nhằm góp phần phục hồi và phát triển ngành công nghiệp không khói của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL” - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nói.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc Hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”

Để Hội thảo mang lại hiệu quả thiết thực, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ 5 vấn đề chính, như sau:

Một là, tổng quan những vấn đề lý luận về sản phẩm du lịch, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực ĐBSCL, chỉ rõ những đặc trưng cơ bản, những thế mạnh cần phát huy trong thời gian tới.

Hai là, đánh giá thực trạng vấn đề xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch hiện nay tại ĐBSCL, đồng thời phân tích lợi thế, tiềm năng, cơ hội và thách thức trong kinh doanh lữ hành, từ đó, tạo sự kết nối giữa đơn vị quản lý, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và điểm đến du lịch, bảo đảm nâng cao hiệu quả các chương trình tour, tuyến du lịch và trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL.

Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều khách mời thích thú tham quan các gian trưng bày sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL

Ba là, tìm giải pháp để xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bốn là, đề xuất cơ chế phối hợp giữa các tác nhân trong chuỗi du lịch với các địa phương trong vùng ĐBSCL cùng với TP Hồ Chí Minh, các vùng miền cũng như các nước tiểu vùng sông Mekong.

Năm là, khẳng định vai trò của báo chí truyền thông về vấn đề phát triển thương hiệu, xây dựng tour, tuyến, đồng thời quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL hiện nay, từ đó xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói ngày càng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực ĐBSCL. Đồng thời, đề xuất những kiến nghị và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo khi viết và phản ánh về du lịch; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển kinh tế biển và phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL...

Khu vực ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, gồm: biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có hơn 735 km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm hoang sơ... Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá mà hiếm vùng đất nào có được. Chính những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc, da dạng và phong phú đã tạo nên bản sắc văn hóa của vùng miền Tây sông nước, góp phần làm nên sản phẩm du lịch đa dạng đặc thù, là điểm văn hóa đặc sắc để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Ước tính năm 2023, tổng số khách đến đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022. Trong thành tích chung đó có sự tham gia đóng góp tích cực của chính quyền các địa phương, nhất là Hiệp hội du lịch ĐBSCL, thời gian qua đã cùng các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông về con người và hình ảnh tươi đẹp của "vùng đất chín rồng".

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-phat-trien-tour-tuyen-va-cac-san-pham-dac-thu-cua-du-lich-dbscl.html