Xây dựng phương án di dời người dân khu vực nguy cơ sạt lở

UBND thành phố Nha Trang vừa họp bàn, góp ý phương án di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường.

UBND TP. Nha Trang vừa họp bàn, góp ý phương án di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường.

Mong sớm di dời và bố trí tái định cư

Nhiều hộ dân tổ 3 Trường Hải sống cheo leo trên triền núi Chụt. Ở đây, đa phần là nhà tạm (nhà tôn) với những đường lên dốc, bậc đá rất khó đi. Gia đình bà Trần Thị Giỏi có 9 người, từ khi căn nhà ven suối bị sập sau bão, cả nhà phải thuê nhà ở hơn 2 năm nay. Nhà thuê ở ngay trên núi Chụt giá rẻ nhưng tiền điện, nước mỗi tháng cũng hơn 1 triệu đồng. Nguyện vọng của gia đình là được “xuống núi”, có chỗ đất bằng để ở yên ổn.

 Khu vực người dân thuộc tổ 3 Trường Hải, phường Vĩnh Trường sinh sống có nguy cơ sạt lở.

Khu vực người dân thuộc tổ 3 Trường Hải, phường Vĩnh Trường sinh sống có nguy cơ sạt lở.

Sinh sống ở đây đã hơn 30 năm, ông Lê Tấn Hải cũng bày tỏ nguyện vọng chính quyền nhanh giải tỏa, cho tái định cư vì bà con đều sợ sạt lở. Bà Đặng Thị Đạo lo lắng: “Hồi đêm mới nghe mưa là tôi phải bật hết điện lên không dám ngủ vì lo sụp đất hay có chuyện gì trở tay không kịp. Người dân chúng tôi đều muốn di dời và mong được bố trí đất tái định cư để kiếm kế sinh nhai chứ không ở chung cư vì chúng tôi chủ yếu là dân biển”. Bà Lý Thị Anh Dung chia sẻ: “Ở đây, mỗi lần leo lên leo xuống rất mệt; giá nước bơm lên 2.500 đồng đến 3.000 đồng được 40 lít nước tùy độ cao. Gia đình tôi mong được nhà nước cho tái định cư, nợ tiền đất trả dần”.

Mỗi khi nhắc lại trận sạt lở núi kinh hoàng cuối năm 2018, người dân xóm Núi, thôn Thành Phát vẫn không khỏi thảng thốt. Vợ chồng bà Lê Thị Phụng từng bị cuốn trôi cùng tài sản nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ. Dọn dẹp lại nhà về ở, nhưng cũng như nhiều nhà xung quanh, gia đình bà luôn thấp thỏm mỗi lần mưa lớn là phải rời nhà để đảm bảo an toàn. Bà Phụng cũng như nhiều người dân ở xóm Núi, xóm Mũi có nguyện vọng được di dời, bố trí tái định cư.

Đề xuất 2 phương án

Trước nguy cơ sạt lở chực chờ ở khu vực xóm Núi, xóm Mũi, tổ 3 Trường Hải, UBND TP. Nha Trang đã nhiều lần họp đề xuất phương án di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở tại xã Phước Đồng và phường Vĩnh Trường. Ngày 14-4, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND thành phố chủ trì họp trực tuyến với các phòng, ban, đơn vị liên quan và lãnh đạo UBND phường Vĩnh Trường, xã Phước Đồng nghe báo cáo, góp ý phương án di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc 2 địa phương này.

Theo đó, UBND thành phố xây dựng phương án di dời toàn bộ 348 hộ (1.373 nhân khẩu) thôn Thành Phát, 346 hộ (1.243 nhân khẩu) thôn Thành Đạt và 117 hộ (410 nhân khẩu) tại tổ 3 Trường Hải nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân tại các khu vực sạt lở; tổng cộng có 811 hộ phải di dời. Hầu hết nhà dân trong khu vực xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp hoặc khu vực dự án. Người dân các khu vực này đa số có mức sống từ trung bình trở xuống. Thành phố đề xuất 2 phương án di dời: Phương án 1, xây dựng chung cư cho thuê với giá ưu đãi tại khu đất có diện tích 25.080m2, diện tích mỗi căn hộ 40m2. Phương án 2, thực hiện dự án trồng rừng cảnh quan - công viên và di dời dân, bố trí giao đất tái định cư (các hộ đủ điều kiện) hoặc giao đất theo giá thị trường, diện tích các lô từ 50 đến 55m2, dự kiến thực hiện tại Khu tái định cư Phước Hạ. Cả 2 phương án đều bố trí quỹ đất tại Khu tái định cư Phước Hạ (xã Phước Đồng). Theo tính toán, phương án 1 cần tổng vốn đầu tư gần 476 tỷ đồng; phương án 2, tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng, thành phố cần quỹ đất tái định cư hơn 13ha. Phương án 1 có ưu điểm tiết kiệm quỹ đất nhưng nhược điểm mức đầu tư lớn; hầu hết các hộ không thống nhất, việc quản lý chung cư cũng rất khó khăn. Phương án 2 phù hợp hầu hết nguyện vọng của người dân. Sau khi di dời dân, tại các khu vực này sẽ tiến hành trồng rừng cảnh quan (khu vực triền núi) và công viên cây xanh. Tuy nhiên, phương án này cần quỹ đất tái định cư rất lớn.

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, UBND phường Vĩnh Trường và đa số các ý kiến đề xuất lựa chọn phương án 2. Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND thành phố, phương án xây dựng nhà chung cư khó khả thi bởi tổng mức đầu tư lớn và không phù hợp nguyện vọng của người dân. Vì vậy, nên chọn phương án 2, lập dự án tạo cảnh quan cây xanh và tăng cường công tác quản lý đất đai; bố trí tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng cho người dân nợ, nghiên cứu cơ chế giao đất nhưng hạn chế quyền sử dụng đất để ngăn ngừa chuyển dịch.

Qua ý kiến của Thường trực UBND thành phố và các đơn vị, địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu Phòng quản lý đô thị thành phố chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan và UBND xã Phước Đồng, UBND phường Vĩnh Trường rà soát số liệu, làm rõ nguồn gốc đất… để hoàn thiện 2 phương án; trong đó, đánh giá, phân tích những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh. Các phòng, ban, đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực đất đai, xây dựng, cư trú, nhất là tại xã Phước Đồng, phường Vĩnh Trường. Nếu tỉnh chấp thuận phương án lập dự án trồng rừng cảnh quan và di dời dân, thành phố sẽ xây dựng phương án về bồi thường hỗ trợ kèm chính sách, coi đây như trường hợp đặc thù để báo cáo tỉnh phê duyệt.

NAM DU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202004/xay-dung-phuong-an-di-doi-nguoi-dan-khu-vuc-nguy-co-sat-lo-8159605/