'Xây dựng Phương án tổng thể nâng cao chất lượng hoạt động vận tải khách đường bộ'

Phương án này của Sở GTVT dự kiến đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét cho triển khai trong tháng 9/2019. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Theo ý kiến của rất nhiều người dân, tỉnh cần siết chặt quản lý hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, ATGT, an toàn cho người dân, du khách, chống thất thu thuế... Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT (ảnh).

- Hiện trạng kinh doanh vận tải hành khách tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện nay ra sao, thưa ông?

+ Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân nên hoạt động vận tải hành khách đường bộ cũng phát triển nhanh, đa dạng, tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Tuy nhiên, sự đa dạng này đã kéo theo những phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý, nhất là tình trạng xe taxi dù, loạn xe limousine chở khách, hợp đồng trá hình, làm suy giảm chất lượng dịch vụ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ATGT, mất ANTT cũng như thất thu thuế.

Hoạt động vận tải đường bộ hiện có 4 loại hình là cố định, hợp đồng, taxi và xe buýt, với trên 4.100 phương tiện được Sở GTVT cấp phù hiệu hoạt động. Cụ thể: Tuyến cố định 532 chiếc; xe du lịch, xe hợp đồng 1.205 chiếc, trong đó xe limousine 160 chiếc; xe buýt 210 chiếc; taxi 2.117 chiếc. Ngoài ra, còn có 638 xe tuyến cố định, trên 500 xe hợp đồng của tỉnh ngoài hoạt động thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Đa số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh hiện có quy mô nhỏ, nhiều đơn vị chưa chú trọng nhiều đến công tác đảm bảo ATGT, nâng cao chất lượng dịch vụ; công tác quản lý hoạt động của xe và lái xe còn lỏng lẻo, nhất là xe góp vốn, xe thuê... Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Sở GTVT chưa thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh những sai sót. Việc phối hợp, cung cấp thông tin giữa Sở GTVT các tỉnh, thành có hoạt động vận tải khách liên tỉnh còn nhiều khó khăn; phối hợp xử lý vi phạm giữa lực lượng chức năng chưa đồng bộ, hiệu quả.

- Xin ông cho biết rõ hơn về những tồn tại của các loại hình vận tải trên địa bàn tỉnh?

+ Đối với taxi: Tình trạng taxi dù diễn biến phức tạp, có dấu hiệu gia tăng, tập trung nhiều ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, hoạt động dưới 2 hình thức. Thứ nhất: Có tiếp tay của doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp hỗ trợ xin cấp phù hiệu nhưng không điều hành, hoạt động tự do, hoặc doanh nghiệp cung cấp thông tin đặt xe của khách hàng qua tần số bộ đàm, App để xe dù đón khách. Thứ hai: Hoạt động tự do, gắn mào giả, thường đón khách tại các khu vực tập trung đông người, như bệnh viện, chợ…

Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra, xử lý taxi "dù" trên địa bàn TP Hạ Long (ảnh Đỗ Phương).

Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở GT-VT) kiểm tra, xử lý taxi "dù" trên địa bàn TP Hạ Long (ảnh Đỗ Phương).

Đối với vận tải khách tuyến cố định: Mặc dù sản lượng vận tải chung vẫn tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp đang kêu cứu do bị xe hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh kém hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chất lượng dịch vụ của tuyến cố định còn hạn chế, làm giảm khả năng cạnh tranh với các loại hình khác.

Đối với xe hợp đồng, nhất là xe Limousine, hiện nay có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lách luật, hợp lý hóa thủ tục để hoạt động như tuyến cố định, cụ thể là đặt chỗ, thu tiền khách lẻ, hằng ngày hoạt động cố định trên một tuyến với nhiều hình thức tiếp cận khách hàng.

Đối với xe buýt: Hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ nên phát triển chậm, chất lượng hạn chế. Một số doanh nghiệp đã dừng hoạt động trên một số tuyến không hiệu quả. Do vậy, chưa tiện lợi cho người dân, chưa khuyến khích được người dân sử dụng dịch vụ xe buýt.

- Vậy ngành GTVT tỉnh đã có giải pháp gì để khắc phục những tồn tại nói trên, nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, chống thất thu thuế...?

+ UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại trên, đặc biệt là công tác kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các vi phạm, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

Để giải quyết dứt điểm tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động vận tải khách đường bộ, ngoài việc trung ương cần sớm điều chỉnh các quy định, chế tài phù hợp với thực tiễn phát triển, Sở GTVT đang xây dựng Phương án tổng thể, dự kiến đề xuất, báo cáo UBND tỉnh xem xét cho triển khai trong tháng 9/2019, với một số giải pháp trọng tâm sau:

Thành lập Trung tâm điều hành, giám sát hoạt động vận tải đường bộ theo hướng giao thêm nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp chuyên ngành GTVT thuộc Sở GTVT (không thành lập bộ máy mới). Cụ thể: Kiểm soát, phát hiện các vi phạm trên hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ, hệ thống giao thông thông minh của tỉnh; kiểm soát hoạt động của xe hợp đồng bằng công nghệ thông tin; quản lý (giám sát, nghiệm thu, thanh toán) hoạt động vận tải khách bằng xe buýt có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; kiểm soát hoạt động của các bến xe; thống kê hoạt động vận tải phục vụ công tác thu thuế, chỉ đạo, điều hành của tỉnh...

Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) kiểm tra phương tiện hoạt động tuyến cố định, đón khách tại Bến xe Khách Móng Cái (TP Móng Cái).

Nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch vận tải đường bộ điện tử theo hướng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải điều hành, giao dịch với khách hàng thông qua sàn, có sự kiểm soát trực tiếp, toàn diện của cơ quan nhà nước về hợp đồng, vé, hành trình, thời gian lái xe, tốc độ, điểm dừng đón khách...; xây dựng riêng mô đun cho từng loại hình, trước mắt đề nghị Bộ GTVT cho thí điểm đối với loại hình xe hợp đồng.

Tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tìm thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vận động doanh nghiệp đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ; xây dựng, củng cố quy trình quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động vận tải của các tổ chức, cá nhân đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tránh chồng chéo, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm.

Xây dựng đề án phát triển mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh, trong đó có cơ chế trợ giá cho những tuyến lưu lượng khách thấp, nhằm sớm phát triển mạng lưới xe buýt, giảm ùn tắc giao thông do xe cá nhân trong tương lai; điều chỉnh đề án phát triển taxi, xe điện phù hợp với nhu cầu phát triển.

Rà soát, quy hoạch bổ sung các điểm đỗ xe taxi, xe buýt; đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm đón, trả khách trên tuyến cố định theo hướng xã hội hóa.

Tăng cường xử lý vi phạm về điều kiện kinh doanh, trốn thuế trong lĩnh vực vận tải đường bộ, triển khai các kế hoạch chuyên đề, cao điểm để xử lý dứt điểm vi phạm của từng đối tượng, loại hình.

- Xin cảm ơn ông!

Thái Cảnh (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/xay-dung-phuong-an-tong-the-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-van-tai-khach-duong-bo-2453666/