Xây dựng phương án ứng phó lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 5-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tập trung rà soát, xây dựng phương án chủ động ứng phó với lũ được dự báo tiếp tục lên và thời gian lũ ở mức cao còn kéo dài thời gian tới.

Gia cố bờ bao bảo vệ 150 ha lúa tại xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn (An Giang). Ảnh: LỤC TÙNG

Theo đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, chủ động triển khai các biện pháp hạn chế thiệt hại, đồng thời khai thác các mặt lợi của lũ; xây dựng phương án chủ động ứng phó với lũ với mức lũ cao nhất theo dự báo, phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương; bảo đảm an toàn tính mạng của người dân; chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông, kênh, rạch, vùng bị ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1. Dự án này được khởi công ngày 26-6-2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố… Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND thành phố tập trung chỉ đạo, kịp thời giải quyết vướng mắc để triển khai thực hiện dự án theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, mực nước sông Cửu Long sẽ lên theo kỳ triều cường và đạt mức cao nhất vào ngày 10 và 12-10, sau đó sẽ xuống. Đến ngày 15-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 3,8 m; tại Châu Đốc xuống mức 3,5 m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long xuống mức báo động 2 và trên báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao, nhất là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An. Đề phòng triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.

* Do không khí lạnh suy yếu, khu vực Bắc Bộ ban ngày trời nắng, nhiệt độ hơn 300C, sáng và đêm trời lạnh. Ngoài ra, do không khí lạnh và rìa phía bắc của rãnh áp thấp tác động giảm dần nên mưa ở các địa phương từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa giảm dần. Tuy nhiên, các địa phương vẫn cần đề phòng xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp.

* Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, những ngày qua khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 20 đến 50 mm. Riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có mưa rất to; một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Trà My (Quảng Nam) 148 mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi) 153 mm; Giá Vực (Quảng Ngãi) 128 mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 145 mm; An Hòa (Bình Định) 177 mm; Vĩnh Sơn (Bình Định) 129 mm; Sơn Hòa (Phú Yên) 131 mm...

* Bộ Tài chính vừa ban hành kế hoạch về công tác phòng, chống thiên tai năm 2018 nhằm chủ động công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

* Ngày 5-10, tại ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang) xảy ra sạt lở đoạn đường bờ sông Hậu với chiều ngang 20 m, dài 60 m làm thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân. Địa phương đã di dời bảy nhà dân đến nơi an toàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sạt lở ở các khu vực có nguy cơ trên địa bàn.

* Đến đầu tháng 10, nhiều diện tích mía ở Hậu Giang đã bị ngập do lũ từ 10 đến 20 cm. Nhiều nhất là tại huyện Phụng Hiệp với diện tích hơn 2.000 ha, trong đó có gần 20 ha bị thiệt hại 70%. Tỉnh đang yêu cầu các địa phương có phương án bảo vệ diện tích mía trước tình hình lũ về sớm, dự báo phức tạp trong thời gian tới; hỗ trợ nhân dân tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ hết sản lượng mía.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37833702-xay-dung-phuong-an-ung-pho-lu-vung-dong-bang-song-cuu-long.html