Xây dựng Quỳ Hợp giàu đẹp, văn minh và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc

Cách đây 60 năm (ngày 19/4/1963) huyện Quỳ Hợp được thành lập. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp đã đoàn kết, xây dựng quê hương phát triển toàn diện…

Toàn cảnh thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh TL: Sách Nguyễn

Toàn cảnh thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh TL: Sách Nguyễn

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân huyện phải đối mặt với muôn vàn thử thách, gian khổ, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ban, sở, ngành cấp tỉnh, nhiều thế hệ lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền... nên Quỳ Hợp đã đoàn kết, nỗ lực vươn lên đạt kết quả tốt.

Thực hiện phương châm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, nhờ đó, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ huyện Quỳ Hợp chú trọng phát triển toàn diện trên cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, hệ thống chính trị không ngừng được kiện toàn, củng cố, vững mạnh. Ngày mới thành lập Đảng bộ huyện chỉ có 720 đảng viên, chiếm 2,2% dân số. Đến nay, Đảng bộ huyện có 8.064 đảng viên, chiếm 5,85% dân số; có 54 tổ chức cơ sở đảng với 371 chi bộ (trong đó có 07 chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân, 01 chi bộ trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài).

Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp trao đổi với cán bộ, nhân dân. Ảnh TL: Thu Hương

Cùng với đó là, Đảng bộ, chính quyền huyện Quỳ Hợp vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn địa phương, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đồng thời, đánh thức tiềm năng, lợi thế, huy động được nhiều nguồn lực để tổ chức sản xuất, khai thác, chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa lớn có giá trị, phát triển thị trường… thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Từ việc xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ là khâu đột phá nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và nguồn lực lao động, nên Quỳ Hợp luôn tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, quy mô lớn. Đến nay, toàn huyện có 6 cụm công nghiệp; 158 xưởng sản xuất, chế biến đá, quặng thiếc phát triển ổn định cùng các doanh nghiệp cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn như Nhà máy đường NASU, Công ty TNHH MNS Farm Nghệ an… hằng năm tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động.

Huyện Quỳ Hợp luôn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và triển khai các dự án trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Những năm gần đây, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi không ngừng được đẩy mạnh, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và an toàn theo chuỗi giá trị từ sản xuất hàng hóa đến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã có 14 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn “3 sao” cấp tỉnh; đặc biệt, Quỳ Hợp là vùng nguyên liệu lớn phát triển cây có múi và là địa lý chỉ dẫn nổi tiếng với thương hiệu Cam Vinh. Cùng với đó, các công ty liên doanh với nước ngoài trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, khoáng sản ngày càng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy dịch vụ thương mại phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ giai đoạn 2016 - 2022 (tính theo giá trị gia tăng) là 7,54%.

Các sản phẩm chất lượng cao của HTX nông dược Tĩnh Sáng Đường tại Quỳ Hợp. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Trở về thời gian hơn 20 năm trước vào năm 2001, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và tỉnh Nghệ An chọn huyện Quỳ Hợp xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số. Từ chủ trương này, nhiều năm qua lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện đã có những chuyển biến mạnh mẽ, Quỳ Hợp là nơi được tổ chức đăng cai nhiều hoạt động văn hóa lớn của tỉnh như chương trình “Đêm hội sắc Xuân miền Tây”, “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”... Mặt khác, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc được đẩy mạnh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt của đời sống văn hóa - xã hội. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo của địa phương. Đến nay huyện đã có thị trấn Quỳ Hợp đạt chuẩn văn minh đô thị, 6 xã đạt chuẩn NTM và đang xây dựng xã Minh Hợp trở thành xã NTM nâng cao…

Quỳ Hợp phát triển diện tích trồng cam chất lượng cao. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Những kết quả trong quá trình xây dựng và phát triển vừa qua là cơ sở, nền tảng quan trọng để huyện Quỳ Hợp tiếp tục phấn đấu, trước mắt là đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại, nông nghiệp”; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt đời sống nhân dân; huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Để đạt được những mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp xác định phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh; đoàn kết, trách nhiệm và không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức để chính quyền thực sự là của nhân dân, vì nhân dân.

Đền Choọng, di tích lịch sử được xếp hạng tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Trong thời gian tới, huyện Quỳ Hợp sẽ tiếp tục chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao; sử dụng hiệu quả việc tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo động lực và sự lan tỏa trong tăng trưởng kinh tế; đặc biệt, phấn đấu đưa huyện Quỳ Hợp từng bước trở thành trung tâm cây ăn quả và là điểm sáng về việc xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu của tỉnh Nghệ An.

Đường giao thông làm bằng bê tông tại thôn, bản ở Quỳ Hợp. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Cùng với các giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, công tác phát triển văn hóa du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng được xác định là khâu đột phá để bên cạnh các nguồn lực kinh tế, yếu tố văn hóa là động lực quan trọng, xây dựng huyện nhà phát triển một cách toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Song song với việc nhanh chóng xác lập tầm nhìn và tư duy chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp đã, đang cùng quyết tâm, chung sức, đồng lòng, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo thế và lực mới để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Phan Đình Đạt – Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/xay-dung-quy-hop-giau-dep-van-minh-va-dam-da-ban-sac-van-hoa-dan-toc-post267857.html