Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có bước phát triển bứt phá, tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn của vùng, việc đẩy mạnh liên kết để hình thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mang tính đặc thù là hướng đi cần được quan tâm hàng đầu.

Để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long có bước phát triển bứt phá, tương xứng với tiềm năng, lợi thế to lớn của vùng, việc đẩy mạnh liên kết để hình thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mang tính đặc thù là hướng đi cần được quan tâm hàng đầu.

Du khách tham quan Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. (Ảnh ĐỨC HOÀNG)

Du khách tham quan Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. (Ảnh ĐỨC HOÀNG)

Sở hữu những nét văn hóa bản địa phong phú cùng hệ sinh thái đa dạng gồm hệ thống cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, bên cạnh đó là khoảng 750 km bờ biển, hơn 150 đảo, quần đảo lớn, nhỏ…, vùng đất "Chín Rồng” có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển nhiều loại hình như: Du lịch sinh thái miệt vườn gắn với cảnh quan sông nước; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám phá lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống; du lịch biển đảo chất lượng cao; du lịch MICE… Với hơn 386 km đường biên giới với Campuchia và 4 sân bay gồm 2 sân bay quốc tế và 2 sân bay nội địa, nhất là sân bay quốc tế Phú Quốc, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều lợi thế để kết nối tour, tuyến với các quốc gia trong khu vực và nhiều vùng, miền trong cả nước.

Thời gian qua, ý thức được tầm quan trọng trong liên kết không gian du lịch, 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực kết nối để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch vùng. Đáng chú ý, sau khi triển khai thỏa thuận hợp tác du lịch giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều dòng sản phẩm liên kết đã ra đời, như "Những nẻo đường phù sa” kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Vĩnh Long-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau; "Non nước hữu tình” kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh; hay "Sắc màu vùng biên” kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang.

Đặc biệt, từ ba dòng sản phẩm này, có khoảng 80 chương trình du lịch liên kết đã được cộng đồng lữ hành khai thác, góp phần tạo nên sự phục hồi mạnh mẽ cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sau đại dịch Covid-19. Ước tính năm 2023, gần 45 triệu lượt khách đã đến với vùng đất "Chín Rồng”, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần; doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù đã triển khai nhiều hoạt động liên kết du lịch vùng, song thực tế vẫn chưa có một mô hình chỉ đạo, điều phối thật sự hiệu quả. Trao đổi tại Hội thảo: "Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức mới đây tại Cần Thơ, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thẳng thắn nhận định: Các liên kết vừa qua chủ yếu mới là giữa chính quyền với chính quyền, thông qua ký kết các chương trình hợp tác dựa trên sự tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý cho nên hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, ngoài liên kết chính quyền, còn cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông… để phát triển các chuỗi giá trị và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Do liên kết chưa đi vào chiều sâu và thiếu sự đầu tư dài hạn cho nên chưa có những sản phẩm thật sự đặc sắc, hấp dẫn; các địa phương đa phần mới chỉ khai thác các giá trị tương đồng mà chưa phát huy được lợi thế khác biệt về tài nguyên du lịch trong tương quan vùng và cả nước.

Đồng quan điểm, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho rằng, những sản phẩm du lịch của vùng như lễ hội, chợ nổi, tham quan nhà cổ, chèo ghe trên sông rạch, tham quan vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử..., nhất là các mô hình du lịch sinh thái còn giống nhau, dễ gây nhàm chán cho du khách. Các dịch vụ ít được đổi mới và còn quá lệ thuộc vào nguồn khách từ một số thị trường quen thuộc nên dễ gặp rủi ro khi có biến động.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất là hạn chế về kết nối giao thông. Dù có thế mạnh về đường sông, đường biển nhưng giao thông nội vùng còn khó khăn, thời gian vận chuyển khách quá dài. Thực tế cho thấy, đường sông chưa phát triển, đường biển thiếu cảng hành khách, tuyến đường bộ toàn vùng và nội vùng chưa hình thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu du lịch, còn thiếu cơ sở hạ tầng cả về hạ tầng giao thông, trạm dừng chân…

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, nhiều chuyên gia đề xuất các địa phương trong vùng nên liên kết đánh giá, rà soát lại toàn bộ hệ thống các sản phẩm du lịch để xác định sản phẩm đặc thù của từng địa phương, tạo cơ sở kết nối thành tour, tuyến, tránh trùng lặp, chồng chéo. Các địa phương cũng cần huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông giữa các điểm đến trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi về sân bãi, bến đỗ... giúp tăng cường khả năng lưu thông, vận chuyển khách.

Gợi ý một số sản phẩm du lịch đặc thù mà Đồng bằng sông Cửu Long có thể khai thác, ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành tại Cần Thơ đề xuất: Các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau… có thể phát triển các mô hình du lịch homestay; các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang… có thể thiết kế các tour khám phá miệt vườn, đi xuồng máy qua các con rạch nhỏ khám phá cuộc sống miền sông nước và thưởng thức tại chỗ các loại trái cây tươi ngon; trong khi đó, tour khám phá chợ nổi gắn với trải nghiệm ẩm thực địa phương trên ghe sẽ rất phù hợp khai thác tại các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng…

Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Nghị, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn có thể phát triển các tour lễ hội văn hóa gắn với các lễ hội như Ok Om Bok của người Khmer hay Nghinh Ông của người Hoa; các tour tâm linh gắn với những địa điểm tâm linh nổi tiếng; tour du lịch địa lý Đất Mũi Cà Mau; tour giáo dục môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn với các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước. Khi đã xác định được các điểm có tiềm năng, việc tiếp theo là liên kết các điểm này lại để tạo thành chuỗi sản phẩm liền mạch giúp khách hàng trải nghiệm một hành trình thuận tiện, phong phú, từ thưởng thức ẩm thực địa phương đến khám phá văn hóa, thiên nhiên.

Chẳng hạn, một tuyến du lịch có thể bắt đầu từ Cần Thơ, đi qua các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp và kết thúc tại Vĩnh Long. Mỗi điểm dừng chân sẽ là một trải nghiệm khác biệt: Từ việc ngắm nhìn kiến trúc Chăm Pa ở Núi Sam, cho đến việc tham gia vào lễ hội đua bò Bảy Núi hay khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim… Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ cũng nêu quan điểm: Bên cạnh phát triển mạng lưới chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn, các tỉnh trong vùng cũng cần tích cực hợp tác quốc tế, tham gia vào các sự kiện du lịch quốc tế có uy tín để từng bước nâng cao tầm nhìn, thương hiệu của Đồng bằng sông Cửu Long trên bản đồ du lịch thế giới.

Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh mở rộng liên kết trong tiểu vùng Mê Kông với chương trình tour dọc theo sông Mê Kông qua Campuchia, Lào, hay tour đường bộ kết nối với Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Ngoài ra, nhất thiết cần xây dựng quy chế liên kết, điều phối và kế hoạch hành động chi tiết với lộ trình cụ thể để các hoạt động liên kết nhanh chóng đạt hiệu quả trên thực tế.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/189276/xay-dung-san-pham-du-lich-dac-thu-vung-dong-bang-song-cuu-l111ng.htm