Xây dựng thành phố thông minh bằng cách làm thông minh

'Cách làm thông minh bắt đầu từ cách nghĩ, cách tiếp cận thông minh để mang lại lợi thế, hiệu quả cao nhất với chi phí đầu tư thấp nhất'- quan điểm về xây dựng thành phố thông minh được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chia sẻ tại diễn đàn Đối thoại tháng 3: 'Thanh niên Đà Nẵng sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh' diễn ra ngày 26-3.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ trao đổi với các đại biểu thanh niên bên lề diễn đàn đối thoại.

Diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo TP và thanh niên Đà Nẵng 2018 tiếp tục là cầu nối để lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng lắng nghe, chia sẻ và động viên thanh niên hiến kế xây dựng, phát triển thành phố thông minh (TPTM). Thông qua chương trình đối thoại, thành phố đã “đặt hàng” cho thanh niên đầu tư nghiên cứu, sáng tạo để xây dựng một chính quyền điện tử, một TPTM cho Đà Nẵng trong thời gian đến.

Người dân quyết định thành công TPTM

Hầu hết các ý kiến góp ý của thanh niên nêu ra tại buổi đối thoại tập trung các lĩnh vực: giao thông, quản lý đất đai, kiểm soát ATVSTP và xây dựng thành phố kết nối. Trong đó, rất nhiều đại biểu thanh niên quan tâm đặt vấn đề với lãnh đạo TP và các cơ quan chức năng về cách xây dựng, quản lý hạ tầng của một thành phố thông minh; mô hình chính quyền điện tử thông minh và hướng đến mục tiêu công dân thông minh.

Theo anh Nguyễn Duy Phước, đại diện thanh niên P. Hải Châu 1 (Q. Hải Châu) cho rằng cách tiếp cận giữa người dân với các cơ quan Nhà nước của TP chưa có phương thức mới, vẫn theo hình thức truyền thống là giấy tờ thủ tục hành chính. Do đó TP cần đặt hàng xây dựng các ứng dụng CNTT hiện đại, phù hợp để người dân dễ dàng giao tiếp với cơ quan Nhà nước. Tương tự, một cán bộ phụ trách CNTT của UBND Q. Liên Chiểu đặt vấn đề, việc xây dựng chính quyền điện tử, TPTM cần xem xét đến yếu tố công dân thông minh. Bởi thực tế cho thấy việc ứng dụng nền hành chính điện tử đối với người dân chưa hiệu quả, các dịch vụ công trực tuyến tuy được triển khai ở cấp, ngành nhưng người dân chưa mặn mà.

Phản hồi những ý kiến trên, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng vấn đề tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân với cơ quan Nhà nước nằm trong lộ trình xây dựng TPTM. Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại TPĐN hiện còn thấp, chỉ 12% nên thanh niên TP cần tiên phong trong việc truyền thông và sử dụng nền hành chính điện tử. “Để xây dựng thành công chính quyền điện tử, TPTM thì người dân là nhân tố quyết định. Do đó phải nâng cao tỷ lệ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân, từ đó xây dựng người dân Đà Nẵng trở thành công dân thông minh”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

Ngoài ra, một số kiến nghị, đề xuất khác liên quan đến xây dựng, quản lý hạ tầng giao thông, quản lý năng lượng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng... được các đại biểu thanh niên nêu ra tại diễn đàn đã được Chủ tịch UBND TPĐN yêu cầu các sở, ngành liên quan giải đáp, tiếp thu ý kiến và nghiên cứu thực hiện.

Thanh niên Đà Nẵng đối thoại với lãnh đạo TP Đà Nẵng tại diễn đàn.

Thực hiện ngay 2 kiến nghị của thanh niên

Buổi đối thoại trở nên sôi nổi khi anh Dương Minh Quân, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Đà Nẵng, nêu trăn trở: “Đà Nẵng chọn công nghệ nước ngoài để nghiên cứu triển khai TPTM, vậy TP có quan tâm đến các ứng dụng công nghệ của sinh viên Đà Nẵng nghiên cứu, phát triển?”. Lập tức, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị tuổi trẻ Đà Nẵng giới thiệu những công nghệ trong nước có thể thay thế và khả năng tham gia vào cấu trúc tổng thể của việc xây dựng TPTM. Nếu được, TP sẽ đặt hàng đối với những nghiên cứu ứng dụng đó.

Được lãnh đạo TP đặt hàng, anh Quân cho biết anh cùng các đồng nghiệp và sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng đang thực hiện công trình về công nghệ năng lượng tái tạo tích hợp trong hệ thống lưới điện thông minh. Nhóm đã chế tạo được bộ chuyển đổi và nâng cao hiệu suất năng lượng điện mặt trời từ 30% lên đến 50%, đây là sản phẩm tự nghiên cứu, lắp ráp của ĐH Bách khoa Đà Nẵng nên chi phí đầu tư thấp hơn so với thiết bị nhập ngoại cùng công năng. “Chúng tôi rất mong muốn được tham gia đề tài nghiên cứu cấp TP để ứng dụng nghiên cứu đó vào thực tế tại Đà Nẵng”, anh Quân đề nghị.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ rất tâm đắc về giải pháp công nghệ này và đề nghị Sở KH&CN cho nghiên cứu đề tài trên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho các bạn trẻ đưa kết quả nghiên cứu này vào ứng dụng đại trà. “Tôi đề nghị trong tuần tới, lãnh đạo Sở KH&CN cần thực hiện ngay việc này để hỗ trợ cho dự án trên của nhóm nghiên cứu của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng”, đồng chí Huỳnh Đức Thơ nêu yêu cầu.

Liên quan đến việc nâng cao tỷ lệ tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân, một đại biểu thanh niên hiến kế, Đoàn thanh niên các cấp nên thực hiện chương trình “Ngày thứ 7 tình nguyện” bằng cách sử dụng máy tính, thiết bị kết nối mạng Internet đến từng tổ dân phố (tại nhà sinh hoạt cộng đồng) để hướng dẫn người dân thực hiện các ứng dụng hành chính công. Với cách hướng dẫn trực tiếp này vài lần, người dân đã có thể làm quen và tự thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến cần thiết...

Ý kiến góp ý trên được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao và “đặt hàng” cho Thành đoàn Đà Nẵng nghiên cứu có thể triển khai thực hiện ngay trong năm 2018. “Đây là một ý tưởng thiết thực, có tính khả thi cao và phát huy được vai trò của ĐVTN. TP đề nghị Thành đoàn xem xét, có kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị có chức năng và chính quyền các cấp thực hiện việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến như đề xuất của bạn trẻ vừa hiến kế”, đồng chí Huỳnh Đức Thơ nói.

QUANG PHÚC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_180821_.aspx