Xây dựng thành phố vì dân

TPHCM có quy mô dân số (gồm cả người nhập cư) khoảng 13 triệu dân. Khác với cấu trúc của thành phố (TP) có vài triệu dân, kích thước tự thân một TP lớn (big city) có dân số lớn, cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết.

Giữa bộn bề nhiều việc ngổn ngang, điểm mấu chốt là các quyết sách của TPHCM, trước hết và cuối cùng, cần hướng tới người dân, TP vì dân để đảm bảo cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc thật sự cho người dân.

Thành phố vị nhân sinh

“TP vị nhân sinh” hay “TP vì dân” chính là một sự khởi đầu với mục đích lý giải câu hỏi làm thế nào để chúng ta có thể nâng cao về xã hội, môi trường sinh thái lẫn kinh tế đều tốt đẹp và văn hóa cộng đồng phát triển mạnh mẽ?

Câu trả lời chỉ có thể là sự hài hòa giữa 4 yếu tố: xã hội, môi trường, kinh tế và văn hóa, hướng đến TP phát triển bền vững bao trùm. Đô thị vị nhân sinh là lựa chọn của chúng ta, bởi đây là cách thức đảm bảo cạnh tranh và phát triển bền vững.

Hiện nay, các nền kinh tế cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực sẽ di chuyển đến nơi đảm bảo an toàn, sức khỏe cho họ. Trong đô thị 4.0, phát triển bền vững không chỉ cần hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường mà còn cả văn hóa hướng đến đô thị nhân văn, TP vị nhân sinh.

Các TP đang phát triển, như TPHCM, để hướng tới TP vị nhân sinh trước tiên phải tăng trưởng nhanh để đạt sự thịnh vượng cho TP. Tăng trưởng phải thông qua con đường sáng tạo, tăng trưởng xanh và bền vững bao trùm. TP carbon thấp là nền tảng của “TP vị nhân sinh”.

Học sinh Trường Tiểu học Hiệp Phú (quận 9) vui đùa tại công viên được cải tạo từ bãi rác ô nhiễm. Ảnh: THU HƯỜNG

Học sinh Trường Tiểu học Hiệp Phú (quận 9) vui đùa tại công viên được cải tạo từ bãi rác ô nhiễm. Ảnh: THU HƯỜNG

Với TPHCM, 2 con sông là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn gặp nhau ở trung tâm TPHCM tại các nhánh sông Nhà Bè và Soài Rạp, tổng chiều dài khoảng 80km sông nước hiền hòa. Từ những con sông này tỏa vào TP 11 con kênh, tổng chiều dài kênh rạch lên tới 700km.

Tại Quyết định số 24/TTg ngày 6-10-2010 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2025 của Thủ tướng có quy định: “Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, có diện tích khoảng 7.000ha”.

Tuy nhiên, cho đến nay, TPHCM triển khai quá chậm, nên vẫn chưa đáp ứng được các chỉ tiêu công viên cây xanh để TP có chất lượng sống tốt và sáng tạo hơn. Để cuộc sống người dân trở nên thanh bình, chất lượng cao, TPHCM có thể tập trung phát triển TP xanh dựa trên một số khu đặc thù gắn liền với không gian tự nhiên đặc trưng sông - nước hiền hòa. Nếu kết hợp với dải công viên cây xanh thì TPHCM hoàn toàn có thể trở thành TP có thương hiệu TP sông nước - xanh.

Chú trọng tính công bằng xã hội

Bên cạnh góc độ kinh tế và môi trường, TPHCM cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực xã hội, hướng đến TP dân chủ, công bằng, trên tinh thần mình vì mọi người, mọi người vì mình. TP có sự công bằng cũng là cơ sở hướng đến TP vị nhân sinh. TP công bằng là sự hài hòa giữa kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, đi đôi với công bằng xã hội (giảm nghèo, giảm thất nghiệp việc làm), còn cần sự công bằng về không gian (không có nhà lụp xụp rách nát, tiếp tục nâng cấp đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp) và sự công bằng về môi trường (không có những khu vực ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe).

Xét về công bằng về không gian, theo số liệu tổng hợp của Sở Xây dựng TPHCM, nhu cầu nhà ở xã hội của TPHCM trong giai đoạn 2011-2020 cần khoảng 134.000 căn. Nhiều trường học, bệnh viện và dưỡng đường cần được xây dựng gần các khu nhà ở, để TPHCM trở thành TP vị nhân sinh.

Tuy nhiên, chương trình nhà ở xã hội tại TPHCM lại thực hiện quá chậm chạp, đến nay vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu “nhà ở cho mọi người”. Đảm bảo công bằng về không gian, TPHCM đã tập trung di dời, tái bố trí toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, nâng cấp các khu phố có nhiều nhà lụp xụp, xây dựng mới các chung cư xuống cấp, gắn với chương trình chỉnh trang đô thị tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng.

TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành công tác di dời toàn bộ 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn. Thế nhưng, hiện nay đã gần chạm ngưỡng năm 2020, chương trình giải tỏa nhà lụp xụp rách nát trên và ven kênh rạch vẫn giậm chân tại chỗ. Những tồn tại này cần được cải thiện một cách rõ rệt hơn, đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân không bị quá phân tầng cách biệt.

Nhấn mạnh yếu tố vì con người trong quá trình phát triển, trong quản trị, trước khi ban hành các chính sách quan trọng, TPHCM cần thăm dò dư luận xã hội, lấy ý kiến người dân, từ đó có chính sách phù hợp thực tế. Khi có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, không có khó khăn nào là TPHCM không thể giải quyết được. Đồng nghĩa, TPHCM thực sự là TP vì dân, vị nhân sinh.

NGUYỄN ĐĂNG SƠN, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xay-dung-thanh-pho-vi-dan-627796.html