Xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số

Tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là con đường tất yếu mà Việt Nam lựa chọn để đạt được tiến bộ vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2030. Ảnh: Lê Tiên

Để thành công, Việt Nam sẽ cần nhiều nguồn lực, với kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực và sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp.

Ba yếu tố nền tảng của Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0

Trên tinh thần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để định hướng cho phát triển tổng thể nền kinh tế dựa trên cơ sở phát triển và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 của Việt Nam.

Dự thảo Chiến lược đã được lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Bộ KH&ĐT đã tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 được xây dựng gồm 3 yếu tố nền tảng. Một là, đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Hai là, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

Với Việt Nam, tham gia CMCN 4.0 không chỉ là con đường tất yếu của phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững mà còn là chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trọng tâm của Nghị quyết 52 là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế

Có thể nói, Nghị quyết 52 đã định hướng cho chuyển đổi số ở Việt Nam với mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2030, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá, vượt lên.

Liên quan đến chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số mặc dù đã diễn ra nhiều năm qua nhưng chỉ khi xuất hiện các công nghệ của CMCN 4.0 thì chuyển đổi số mới thực sự tăng tốc. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. “Bởi CMCN 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để vượt lên thành các nước phát triển” - ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Bình bày tỏ quan điểm, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, công nghệ số sẽ tạo ra lực lượng sản xuất phát triển nhanh, thậm chí bùng nổ; điều này khiến khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, thậm chí nếu tiếp tục duy trì sẽ kìm hãm sự phát triển. Do vậy, phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế, đó chính là bản chất của CMCN 4.0 lần này. “Nghị quyết 52 cho phép chúng ta tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm là một điểm mới, đột phá mạnh mẽ. Tiến trình này đòi hỏi các cấp hoạch định chính sách phải có đầy đủ kiến thức để nhận biết, nhận dạng quá trình phát triển của CMCN4.0; nhưng đặc biệt phải có bản lĩnh chính trị để dám thích ứng với nó, lường đón được các tiêu cực để có những biện pháp phòng ngừa” - ông Bình nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, hạt nhân của quá trình chuyển đổi số chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Các yếu tố nền tảng của chuyển đổi số sẽ được nhấn mạnh, được đầu tư trước và đi trước.

Cụ thể, về thể chế, ông Hùng nhận định, quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hóa Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Về hạ tầng, quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như IoT, Big Data, AI. Rất nhiều công nghệ mới đang xuất hiện cho phép Việt Nam chuyển đổi nhanh chóng hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT thế hệ mới.

Hải Bình

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/xay-dung-the-che-cho-phat-trien-kinh-te-so-110808.html