Xây dựng 'Thế trận lòng dân' nơi thôn, bản

Xác định xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc là nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, những năm qua Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) luôn quán triệt, làm tốt công tác này, đặc biệt là an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Cán bộ Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) phối hợp với Đội An ninh (Công an TP Hạ Long) và Công an xã Bằng Cả (TP Hạ Long) gặp gỡ người uy tín xã Bằng Cả.

Gần dân, có trách nhiệm với dân

Ngày 23/9/2021, Trưởng thôn 2 (xã Bằng Cả) Đặng Văn Thương cùng với bà con đón các cán bộ an ninh của Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) và Đội An ninh (Công an TP Hạ Long). Ông cười nói với chúng tôi: “Các đồng chí công an gắn bó với bà con lắm. Mặc dù ở tỉnh nhưng vẫn thường xuyên vào thăm, động viên bà con. Mỗi lần vào đều không quên đem cho chúng tôi đồng quà tấm bánh, uống với nhau chén trà, chén rượu. Bà con thêm quý, thêm tin".

Cuộc gặp gỡ không diễn ra ở trụ sở UBND xã, không phải trong hội trường rộng lớn, mà ở Trung tâm Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả. Không câu nệ, không hình thức, không có những văn bản, quyết định, mà là những cái bắt tay thân mật, những câu thăm hỏi gần gũi, những cử chỉ quan tâm như của những người con xa quê về thăm lại bản làng. Những cuộc gặp gỡ như thế này vẫn thường xuyên diễn ra, vì thế mà không hề xa lạ.

Xã Bằng Cả có trên 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế chủ yếu là làm rừng, làm nông nghiệp. Những năm qua, bà con trong các thôn luôn đoàn kết, tích cực, chủ động thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó là kết quả của những cuộc vận động, những buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật của lực lượng công an các cấp.

Cán bộ an ninh tìm hiểu về phong tục, tập quán của bà con dân tộc Dao Thanh Y tại xã Bằng Cả, TP Hạ Long.

Mới được điều chuyển về làm Trưởng Công an xã Bằng Cả chưa tròn 1 năm, đối với Trung tá Phan Tuấn Anh và các đồng đội, công tác đảm bảo an ninh dân tộc cũng không còn mới mẻ. Anh cho biết: Bà con trong thôn, bản rất ủng hộ lực lượng công an, mặc dù nhận thức còn hạn chế, nhưng rất cố gắng thực hiện các quy định của pháp luật, nếu đã được nhắc nhở, tuyên truyền. Từ khi về xã đến nay, anh và đồng đội luôn nhận được chỉ đạo, hướng dẫn sát sao về nghiệp vụ của Công an tỉnh, Công an TP Hạ Long, đặc biệt là Phòng An ninh đối nội trong công tác đảm bảo an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo. Nhờ đó, nhiều năm nay tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn ổn định, không xảy ra các điểm nóng, các vấn đề gây bức xúc trong nhân dân.

Củng cố niềm tin, tạo sức mạnh

Từ nhiều năm nay, Công an tỉnh nói chung và Phòng An ninh đối nội nói riêng, xác định xây dựng thế trận lòng dân là một trong các công tác trọng điểm. Muốn làm tốt công tác này, trước hết phải am hiểu phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, bởi mỗi dân tộc có tiếng nói, phong tục, trang phục riêng. Vì thế, các CBCS làm công tác địa bàn đều phải dựa vào đặc thù mỗi dân tộc mà có cách ứng xử cho phù hợp.

Xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện nếp sống văn hóa mới; xây dựng nông thôn mới; chấp hành đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, hương ước của xã, thôn; vận động phát triển sản xuất (chủ yếu là trồng rừng), chăn nuôi, dần dần tiến đến vận động chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; vận động đưa trẻ đến trường; vận động người dân không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê; vận động người dân hạn chế không uống rượu; thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ có kế hoạch; không tham gia vào các tà đạo, tạp đạo. Đặc biệt, vận động người dân có ý thức đảm bảo an ninh quốc gia. Đó là những nội dung mà Phòng An ninh đối nội tập trung chỉ đạo, hướng dẫn đối với lực lượng an ninh cơ sở, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời, thông qua những cuộc gặp gỡ hết sức thường xuyên, những câu chuyện mang tính gần gũi, đã nâng cao nhận thức cho người dân, không để cho các thế lực thù địch, các tổ chức tôn giáo tự xưng, các đối tượng phản động lôi kéo, mua chuộc, kích động.

Gặp gỡ các vị chức sắc tôn giáo là một trong những biện pháp đảm bảo an ninh tôn giáo của Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh).

Thượng tá Trần Thái Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh), cho biết: Đối với địa bàn khu dân cư, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, điều quan trọng nhất là làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Bởi đồng bào thường sống theo cụm gia đình, dòng họ. Vì thế, nếu không được giải quyết kịp thời, sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết trong thôn, bản, không chỉ giữa cá nhân, mà còn giữa các gia đình, dòng họ, thậm chí cả các làng bản. Chi bộ luôn quán triệt, nhắc nhở cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên truyền phải có những phương pháp phù hợp, thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân. Đồng thời, thông qua mối quan hệ với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào, bằng các câu chuyện gần gũi để lồng vào các nội dung cần tuyên truyền. Có như vậy mới thực sự đi vào lòng dân.

Làm thế nào để người dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào hệ thống chính quyền các cấp, đặc biệt là lực lượng công an, đó là một trong những nhiệm vụ chính trị được Phòng An ninh đối nội (Công an tỉnh) đặt ra đối với các cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ địa bàn nói riêng. Bởi rõ ràng, khi có được lòng tin sẽ có được sự ủng hộ hoàn toàn của người dân, từ đó củng cố sức mạnh niềm tin, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hằng Ngần - Thanh Hương (Phòng An ninh đối nội - Công an tỉnh)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xay-dung-the-tran-long-dan-cung-co-suc-manh-3154926.html