Xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc trên tuyến biên giới

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Long An luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt việc giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị trên tuyến biên giới. Trong đó, Bộ CHQS tỉnh chú trọng phát huy vai trò xung kích của lực lượng dân quân (DQ) tại các xã biên giới. Hiện nay, 20 chốt DQ đều được xây dựng cơ bản, nhiều chốt đưa vào sử dụng gắn nhà ở khang trang với công trình chiến đấu liên hoàn, vững chắc.

Đại tá Trần Đình Hưng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Đình Hưng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, về vai trò, tầm quan trọng của các chốt DQ thường trực (TT) biên giới cũng như công tác đầu tư cho các chốt, chăm lo đời sống cho lực lượng làm nhiệm vụ,...

PV: Xin Đại tá cho biết vị trí, tầm quan trọng của chốt DQTT biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh?

Đại tá Trần Đình Hưng: Long An có 5 huyện biên giới: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Đường biên giới dài gần 135km giáp tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia). Nằm trong thế trận phòng thủ quân khu, tỉnh giữ vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng và an ninh.

Những năm qua, tình hình an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới được kiểm soát, quan hệ láng giềng với nước bạn Campuchia đạt nhiều mặt tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề về đất đai để kích động, gây mất đoàn kết giữa nhân dân 2 nước; buôn lậu, tội phạm, vượt biên trái phép,... có lúc, thời điểm còn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, việc tăng cường xây dựng và bảo vệ biên giới là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, cơ bản, lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất là tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động chốt DQ thường trực biên giới đất liền nhằm bảo đảm cho người dân yên tâm phát triển sản xuất, góp phần xây dựng thế trận làng, xã chiến đấu, củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ tuyến biên giới. Qua đó, tạo nên thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc với các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực, biên phòng, bộ đội địa phương.

Thực tiễn cho thấy, những năm qua, các chốt DQ làm tốt việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia; thường xuyên phối hợp bộ đội biên phòng, công an và các lực lượng liên quan tuần tra giữ gìn trật tự địa bàn biên giới.

Quân số lực lượng dân quân thường trực bố trí tại các chốt luôn bảo đảm theo quy định

PV: Với vị trí, tầm quan trọng như trên, Đại tá cho biết sự quan tâm chăm lo xây dựng chốt DQTT biên giới đất liền của chính quyền địa phương các cấp và tinh thần tự lực của các đơn vị?

Đại tá Trần Đình Hưng: Việc hình thành các chốt DQTT biên giới đất liền là một quá trình vận dụng thực tiễn trong chiến tranh; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu thực tế về công tác quân sự, quốc phòng trong xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới.

Từ năm 1995-1998, 20 chốt DQ tại các xã biên giới của tỉnh là những căn nhà tạm bợ, đơn sơ nhưng đến nay được đầu tư xây dựng cơ bản với kinh phí trên 56 tỉ đồng. Hệ thống doanh trại bảo đảm kiên cố để cán bộ, chiến sĩ DQ sinh hoạt, học tập, công tác. Cùng với đó, hệ thống hầm hào, công sự, trận địa chiến đấu được xây dựng vững chắc, bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị đồng bộ từ cấp tiểu đội đến từng cá nhân.

Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như Ban CHQS các huyện, thị xã biên giới thường xuyên quan tâm, lãnh, chỉ đạo Ban CHQS các xã biên giới thực hiện nghiêm nhiệm vụ huấn luyện, luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu của chốt. Các chiến sĩ thường xuyên được giáo dục về chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho chiến sĩ ở chốt được các cấp quan tâm. Mỗi chốt, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương dành riêng quỹ đất để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các chốt DQ còn được trang bị hệ thống máy lọc nước và dụng cụ dự trữ nước từ nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, các địa phương thực hiện tốt các mô hình chăm sóc DQ như Tặng bò giống cho lực lượng DQ, Hỗ trợ kinh phí tăng gia sản xuất,...

PV: Tỉnh vừa tổ chức thành công Hội thi Chốt DQTT biên giới đất liền, xin Đại tá cho biết một số kết quả nổi bật?

Đại tá Trần Đình Hưng: Hội thi Chốt DQTT biên giới đất liền năm 2023 đã thành công, tốt đẹp. Hội thi giúp nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và công tác tham mưu của cơ quan quân sự địa phương trong tổ chức xây dựng, củng cố, duy trì hiệu quả hoạt động của các chốt DQTT. Từ đó, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phong trào thi đua, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chiến sĩ tại các chốt DQTT biên giới.

Qua hội thi, các địa phương chủ động bằng chính nội lực và nguồn kinh phí huy động để đầu tư, xây dựng, sửa chữa 20/20 chốt DQTT biên giới đất liền với tổng số tiền trên 5,5 tỉ đồng. Các công trình phổ thông và công trình chiến đấu được duy tu, bảo dưỡng, hệ thống biển bảng chính quy được củng cố, bảo đảm tính thống nhất.

PV: Đại tá cho biết thêm phương hướng xây dựng, củng cố và hoạt động của chốt DQTT biên giới trong thời gian tới?

Đại tá Trần Đình Hưng: Để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của các chốt DQ biên giới, Bộ CHQS tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung:

Thứ nhất, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và người dân địa phương hiểu rõ về vai trò, vị trí của chốt DQ biên giới. Công tác tuyển chọn công dân tham gia lực lượng DQ phải bảo đảm về chất lượng, chính trị, sức khỏe. Chủ động giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trên chốt nhận thức rõ về âm mưu, hành động của các thế lực thù địch và vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác bảo vệ biên giới.

Thứ hai, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các chốt DQTT trên tuyến biên giới. Kết hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn tổ chức diễn tập sát thực tế để nâng cao khả năng hiệp đồng, tác chiến và tác chiến độc lập khi có tình huống.

Thứ ba, thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các chiến sĩ cũng như hậu phương chiến sĩ; đồng thời, bảo đảm đúng chế độ, chính sách theo quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!./.

Lê Đức - Biện Cường (thực hiện)

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xay-dung-the-tran-phong-thu-vung-chac-tren-tuyen-bien-gioi-a165112.html