Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em vùng cao

Với mục đích xây dựng thói quen đọc sách, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn sách cho trẻ cũng như vận động hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng đọc viết, nhiều trường học ở vùng cao, vùng khó khăn trong tỉnh đã xây dựng những thư viện mini, thư viện xanh với nhiều thể loại sách, báo đa dạng, phong phú. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Thư viện xanh tại sân Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Văn (huyện Bình Liêu).

Thư viện xanh tại sân Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Văn (huyện Bình Liêu).

Việc học tập, tìm hiểu tri thức bộ môn và cuộc sống qua kênh sách bằng hình thức đọc tuy là phương pháp truyền thống, nhưng không hề cũ đối với người học. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, những năm qua, Trường THCS Húc Động (huyện Bình Liêu) đã đưa hoạt động văn hóa đọc trở thành những nội dung ngoại khóa bổ ích tới học sinh. Thầy Tôn Ngọc Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để tạo cho học sinh có được thói quen tiếp xúc hằng ngày với tri thức mới qua những trang sách, thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc trong trường học là hết sức quan trọng. Do đó, nhà trường đã xây dựng thư viện xanh với gần 200 đầu sách các loại. Để làm phong phú thêm các đầu sách, nhà trường thường xuyên huy động sự tham gia đóng góp của giáo viên và học sinh trong trường với quan điểm thêm một cuốn sách là thêm một tri thức.

Voòng Thị Mai (lớp 9A, Trường THCS Húc Động) cho biết: "Vào các giờ ra chơi hoặc khi đến trường sớm, em và các bạn rất thích đọc sách hoặc truyện thiếu nhi ở các giá sách tại sân trường. Những cuốn sách được xếp theo các chủ đề nên rất dễ tìm. Khi cùng nhau đọc sách, chúng em còn trao đổi với nhau về những cuốn sách hay để học tập, noi theo".

Học sinh Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Văn (huyện Bình Liêu) đọc sách trong giờ ra chơi.

Trường PTDT bán trú TH&THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên), đứng chân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát triển các kỹ năng mềm, nhất là thói quen đọc sách vẫn được nhà trường quan tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Xuyên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngoài thư viện ở điểm trường chính, nhà trường đã xây dựng thêm 2 giá sách lưu động với hàng trăm loại báo, tạp chí phù hợp với lứa tuổi các em học sinh, như Thiếu niên, Nhi đồng, Văn học và Tuổi trẻ, Toán tuổi thơ… tại 2 điểm trường Co Mười, Pắc Lù để học sinh có thể tiếp cận ngoài giờ lên lớp. Qua đó, xây dựng văn hóa đọc trong học sinh.

Để giúp học sinh dân tộc thiểu số các vùng khó khăn tiếp cận với sách, báo, đồng thời phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh, thời gian qua nhiều đơn vị, tổ chức đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đầu tư, trang bị các thư viện, bổ sung đầu sách cho các trường học. Tiêu biểu như Thư viện tỉnh, trong tháng 9/2019 đã tổ chức chương trình trao tặng hơn 2.500 bản sách tham khảo, tác phẩm văn hóa, truyện, sách kỹ năng cho học sinh Trường PTDT nội trú huyện Ba Chẽ, Trường TH&THCS Đồng Lâm 2 (huyện Hoành Bồ). Đây là một trong hoạt động hiện thực hóa Kế hoạch số 58/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Tạo dựng thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho học sinh là một trong những hoạt động quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học, tạo nền tảng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201912/xay-dung-thoi-quen-doc-sach-cho-tre-em-vung-cao-2463463/