Xây dựng Thừa Thiên - Huế theo hướng đô thị di sản văn hóa

Chiều 17-8, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng các thành viên trong Đoàn công tác của QH có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận buổi làm việc.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển vững chắc của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đồng thời nhấn mạnh: hướng đi của tỉnh là xây dựng “đô thị di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường” là hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của tỉnh và chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Điều này được thể hiện qua việc TP Huế được công nhận “Thành phố Văn hóa Asean”, “Thành phố Bền vững môi trường Asean”, “Thành phố Xanh quốc gia” và Đô thị Huế được công nhận là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”...

Đặc biệt, phong trào bảo vệ môi trường của Thừa Thiên - Huế được cả nước đánh giá cao, nhất là “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với sản phẩm nhựa và túi ni-lông sử dụng một lần” được cán bộ và nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng và thực hiện đều đặn, hiệu quả, đã được Thủ tướng hai lần khen gợi là điểm sáng cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; thực hiện tốt phương châm xây dựng Đảng là then chốt; coi trọng công tác MTTQ, đoàn thể nhân dân; xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chương trình chống lãng phí và tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.

Tiếp tục phát huy bốn lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế, trước mắt là làm tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1 Kinh thành Huế.

Tỉnh cần sớm tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW ngày 25-5-2009 và Thông báo 175-TB/TW ngày 1-8-2014 của Bộ Chính trị, đăng ký chương trình làm việc với Bộ Chính trị để có định hướng mới xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế, làm cơ sở để tỉnh xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2015. Cần có đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát chương trình xanh và bền vững; phát huy tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.

Người dân khu vực Kinh thành Huế chào đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và sẽ chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổng hợp, đề xuất kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo theo thẩm quyền.

Về xây dựng đô thị di sản đặc thù, thành phố trực thuộc Trung ương, cần có quy định hướng dẫn cho Thừa Thiên - Huế. Tỉnh sớm làm hồ sơ chuyển Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Cơ bản nhất trí chủ trương mở rộng địa giới TP Huế, đề nghị tỉnh sớm có đề án trình Chính phủ.

Riêng dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, Quốc hội luôn ủng hộ tối đa cho Huế và sẽ thực hiện bằng các cơ chế chính sách đặc thù. Đồng thời, sẽ chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực trùng tu hằng năm nhằm tôn tạo, tu bổ các hạng mục theo thứ tự ưu tiên.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, đô thị Thừa Thiên - Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Kinh tế tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững, tăng trưởng bình quân cả thời kỳ (2009- 2019) đạt 7,2%/năm; quy mô kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2009. Công tác thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Triển khai thực hiện tốt chương trình nông thôn mới, đã có 44 xã cán đích nông thôn mới.

Riêng trong sáu tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 6,87%; trong đó du lịch - dịch vụ tăng 6,37%. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,49 triệu lượt, tăng 4,6%, trong đó lượng khách quốc tế đạt gần 0,55 triệu lượt, tăng 10,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng khá nhờ năng lực tăng thêm của các sản phẩm chủ lực như: bia, dệt may, sợi, điện sản xuất... Công tác đảm bảo an sinh xã hội được đẩy mạnh, tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 8.700 lao động; đưa 750 lao động đi làm việc nước ngoài. Các đối tượng chính sách, hộ nghèo và cận nghèo được quan tâm chăm lo.

Tuy nhiên, theo đồng chí Phan Ngọc Thọ, quá trình điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bộc lộ nhiều hạn chế. Do tỉnh có xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao. Mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị chưa thực hiện được. Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, thu ngân sách còn thấp, xếp thứ 30 trên toàn quốc, có tính thiếu bền vững, chưa đảm bảo tự cân đối ngân sách.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ cho rằng: Để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển đô thị Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, tỉnh cần có cơ chế để trở thành “Đô thị di sản - Thành phố trực thuộc Trung ương” nhằm phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các di sản vật thể, phi vật thể và thiên nhiên mang nét đặc trưng của Việt Nam mà Cố đô Huế đang vinh dự bảo tồn và phát huy.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ kiến nghị: hiện nay, đánh giá đô thị loại I được xác định theo các tiêu chí quy định tại Nghị quyết 1210 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là khó khả thi đối với một đơn vị mang tính đặc thù của quốc gia về di sản như tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vì vậy, đề nghị Quốc hội có cơ chế, chính sách đặc biệt để công nhận Thừa Thiên - Huế là “Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương”.

Đồng thời, để đảm bảo nguồn lực, kịp thời thực hiện và giải ngân Dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, tỉnh đề nghị Quốc hội chỉ đạo bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019- 2020, bố trí 1.500 tỷ đồng trong năm 2019 và năm 2020 từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 cho dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế; áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP thực hiện dự án đầu tư mở rộng sân bay Phú Bài; nghiên cứu và xây dựng ban hành cơ chế đặc thù quy hoạch và phát triển đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thành Công viên đầm phá Quốc gia.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đi thăm, tặng quà một số gia đình chính sách và hộ nghèo thuộc diện di dời khu vực Thượng thành - Eo bầu nằm trong dự án di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quà tặng đến các hộ nghèo thuộc diện di dời khu vực Thượng thành - Eo bầu, Kinh thành Huế.

CÔNG HẬU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41245502-xay-dung-thua-thien-hue-theo-huong-do-thi-di-san-van-hoa.html