Xây dựng thương hiệu để gọi vốn thành công - Bài học từ Grab

Liên tục trong thời gian qua, ứng dụng gọi xe thông minh Grab đã gọi vốn thành công hàng tỷ đô la Mỹ từ các đối tác - cho thấy sự thành công của doanh nghiệp này trong việc xây dựng thương hiệu, tạo được niềm tin từ các đối tác và người tiêu dùng.

Grab thành công xây dựng thương hiệu khi tạo được niềm tin của người tiêu dùng và đối tác

Xây dựng nền tảng từ lợi ích của người tiêu dùng

"Chào đời" vào năm 2012 tại Malaysia và được coi là "bản sao" của Uber, Grab đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi. Hiện Grab cung cấp dịch vụ ở 235 thành phố thuộc các quốc gia Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar… Tính đến thời điểm hiện tại, Grab là ứng dụng đặt xe dẫn đầu thị trường Đông Nam Á với 95% thị phần dịch vụ đặt xe taxi và 71% thị phần dịch vụ đặt xe cá nhân. Grab sẽ tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu thị trường và đầu tư vào GrabPay, giải pháp thanh toán di động độc quyền của Grab.

Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, Grab đã đánh bật các hãng taxi và xe ôm truyền thống, nổi lên như một thương hiệu mạnh với một cộng đồng đông đảo khách hàng tin tưởng và sử dụng? Đặc biệt, gần đây Grab đã mua lại Uber làm thay đổi cục diện loại hình kinh doanh vận tải này không chỉ ở Việt Nam mà cả ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Nói về bài học xây dựng và quản trị thương hiệu nhìn từ câu chuyện của Grab, các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang sống trong thế giới của nền kinh tế chia sẻ. Trong đó, việc sử dụng một nền tảng nào đó để doanh nghiệp có thể chia sẻ, sử dụng nguồn lực của xã hội là xu thế tất yếu. Ở đó, sự thành công của Grab có một đặc điểm là xây dựng trên nền tảng lợi ích của người tiêu dùng. Tất cả những gì được xây dựng trên nền tảng lợi ích người tiêu dùng đều có khả năng tồn tại. Đây là cách làm marketing hiện đại dựa trên cảm xúc số đông, sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy, tất cả vì lợi ích của người tiêu dùng. Doanh nghiệp nào hiểu được nguyên tắc này, nắm được một nhóm cộng đồng tin tưởng và đi theo thì sẽ phát triển. Trái lại, doanh nghiệp nào đi ngược lại lợi ích của cộng đồng sẽ tự bị cộng đồng vùi dập.

Liên tục gọi vốn thành công

Ông Antothy Tan - đồng sáng lập Grab cùng đại diện Hyundai Motor Group trong vòng gọi vốn đầu tháng 11/2018

Với sự thành công của mình, liên tục trong thời gian qua Grab đã thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều đối tác. Đáng chú ý, trong năm 2018 doanh nghiệp này còn liên tục gọi vốn thành công từ các đối tác lớn trên thế giới như Toyota, Didi Chuxing (DiDi), Kia… với số tiền lên tới hàng tỷ đô la Mỹ.

Cụ thể, tháng 6/2018 Grab đã đạt được thỏa thuận với Toyota Motor Corporation (Toyota), theo đó, Toyota sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào Grab. Theo thỏa thuận, Grab và Toyota sẽ củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hiện tại của hai bên trên lĩnh vực xe kết nối công nghệ (connected cars) để thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp di động khắp Đông Nam Á.

Đại diện Grab và Microsoft trong lễ ký kết hợp tác

Tháng 7/2018, Didi Chuxing (DiDi) - nền tảng ứng dụng gọi xe hàng đầu thế giới và SoftBank Group Corp. (SoftBank) - tập đoàn viễn thông hàng đầu toàn cầu công bố đầu tư lên đến 2 tỉ đô la Mỹ để dẫn đầu vòng huy động vốn mới nhất của Grab. Ông Masayoshi Son, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của SoftBank Group Corp., cho biết: “Grab đang ứng dụng công nghệ để tiếp cận giao thông và thanh toán, hai trong số những thách thức lớn nhất hiện tại ở Đông Nam Á. Chúng tôi tin rằng Grab là một công ty cực kì hấp dẫn tại thị trường năng động và đầy tiềm năng này. SoftBank rất mong đợi được đẩy mạnh quan hệ đối tác với Grab và tiếp tục hỗ trợ Grab trên hành trình của mình.”

Đầu tháng 8/2018, Grab tiếp tục nhận thêm 2 tỷ USD trong vòng gọi vốn hiện tại. Cùng với Toyota Motor Corporation (Toyota), các công ty tài chính hàng đầu thế giới và các nhà đầu tư khác đã tham gia vào vòng gọi vốn hiện tại của Grab, củng cố thêm mục tiêu của Grab trong việc trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Đầu tháng 10 năm nay, Grab đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược sử dụng đám mây điện toán với Microsoft để thúc đẩy đổi mới và sử dụng các dịch vụ số tại khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong quy trình phối hợp rộng rãi giữa hai công ty, Grab sẽ ứng dụng Microsoft Azure như một nền tảng điện toán đám mây và Microsoft sẽ triển khai đầu tư chiến lược vào Grab. Cũng trong tháng 10/2018, Booking Holdings doanh nghiệp hàng đầu thế giới về du lịch và đặt phòng trực tuyến đã đầu tư 200 triệu USD vào Grab.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 11/2018, Tập đoàn Hyundai Motor Group và Kia Motors Corporation (Kia) cũng công bố sẽ đầu tư thêm 250 triệu USD vào Grab và thiết lập quan hệ hợp tác để thử nghiệm các chương trình phát triển xe điện (electric vehicle - EV) khắp Đông Nam Á. Hyundai đầu tư vào Grab lần đầu vào tháng 1/2018, và hai công ty đã bắt đầu triển khai các hợp tác trong lĩnh vực xe điện. Sáng kiến mới nhất của Grab - mở rộng hợp tác với những tập đoàn ôtô Hàn Quốc bao gồm Kia - đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực không ngừng của Grab nhằm thúc đẩy việc sử dụng xe điện tại Đông Nam Á.

“Là một trong những trung tâm tiêu dùng phát triển nhanh nhất thế giới, Đông Nam Á là thị trường mới nổi đầy tiềm năng cho xe điện - Tiến sĩ Youngcho Chi, Giám đốc Sáng tạo và Trưởng Bộ phận Chiến lược và Công nghệ của Hyundai Motor Group, cho biết - Với những dấu ấn độc đáo và thành công của Grab trên khắp khu vực, cùng với nền tảng khách hàng và đối tác kinh doanh đang ngày càng mở rộng, Grab là một đối tác vô giá sẽ giúp chúng tôi thúc đẩy việc sử dụng xe điện tại Đông Nam Á.”

Nhận xét trên đây của đối tác đầu tư cũng là lời khẳng định về sụ thành công của Grab trong việc xây dựng thương hiệu dựa trên nền tảng công nghệ vì lợi ích khách hàng khắp khu vực.

Minh Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-thuong-hieu-de-goi-von-thanh-cong-bai-hoc-tu-grab-111934.html