Xây dựng thương hiệu gà thả đồi Yên Thành

Nuôi gà thả đồi đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, được các xã vùng bán sơn địa của huyện Yên Thành nhân rộng để khẳng định thương hiệu.

Tây Thành là xã miền núi có diện tích tự nhiên trên 2.000 ha, trong đó 2/3 là diện tích đồi núi.Để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Tây Thành là một trong những xã được huyện Yên Thành chọn mô hình điểm trong việc thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi gà đồi gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2017-2022”.

Gà Tây Thành chủ yếu là giống gà cỏ, ri lai, gà mía lai có chất lượng thịt chắc, thơm ngon bởi được nuôi theo thả. Mỗi lứa có thời gian nuôi từ 4 - 6 tháng, gà đến thời điểm xuất bán đạt trọng lượng bình quân từ 2-2,5 kg/con, được thương lái trong và ngoài tỉnh tìm về thu mua sản phẩm.

Phong trào nuôi gà được phát triển đều ở tất cả 16 xóm, tạo vùng chăn nuôi khá tập trung. Nếu trước đây mỗi hộ dân chỉ nuôi từ 30 - 50 con mỗi lứa, nay số hộ chăn nuôi từ 400 - 500 con đã chiếm hơn 30%, có nhiều hộ đã đầu tư nuôi mỗi lứa trên 1.000 con.

Gia đình anh Chu Đình Minh ở xóm Trung Bắc, xã Quang Thành (Yên Thành) mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 5 tấn gà đồi. Ảnh: Thái Dương

Gia đình anh Chu Đình Minh ở xóm Trung Bắc, xã Quang Thành (Yên Thành) mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 5 tấn gà đồi. Ảnh: Thái Dương

Theo ông Phan Đức Thường - Chủ tịch UBND xã Tây Thành, sau một năm triển khai đề án phát triển gà đồi, đến nay tổng đàn gà trên địa bàn đã lên tới 200.000 con, đạt sản lượng 300 tấn, đưa giá trị sản xuất lên 27 tỷ đồng. Để dự án đạt hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ kinh phí của huyện, trong năm 2017, xã trích ngân sách địa phương 150 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho các hộ dân; củng mạng lưới thú y cơ sở...

Tại xã Quang Thành, hiện nay hầu như nhà nào cũng nuôi gà, trong đó có nhiều hộ dân chăn nuôi với quy mô lớn theo hướng hàng hóa.

Điển hình như hộ anh Chu Đình Minh, trên diện tích 4 ha đất đồi được trồng cây nguyên liệu giấy, dưới tán cây xanh gia đình anh đã đầu tư đóng cọc bê tông, vây lưới nuôi 1.500 ngàn con gà lai ri mỗi lứa.

Anh Minh cho biết, trước đây gia đình cũng nuôi gà theo phương pháp bán công nghiệp, nhưng do kinh phí đầu tư cao, sản phẩm khó tiêu thụ, gia đình đã chuyển sang nuôi gà thả đồi. Chăn nuôi theo hình thức này tuy thời gian nuôi kéo dài (từ 5 - 6 tháng/lứa) nhưng chủ động được con giống, nguồn thức ăn chủ yếu là phù du đồi rừng, các loại côn trùng và phụ phẩm nông nghiệp, do đó gà ít khi bị dịch bệnh, chi phí không đáng là bao. Theo giá hiện tại từ 80.000 -85.0000 đồng/kg, mỗi con gà cho lãi khoảng 15.000 đồng/kg.

Gia đình bà Trần Thị Giá ở xóm Châu Thành 2, xã Tây Thành - một trong những hộ chăn nuôi gà đồi có quy mô, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi gà. Ảnh: Thái Dương

Để từng bước phát triển và xây dựng thành công thương hiệu gà đồi Yên Thành, ông Nguyễn Văn Dương -Trưởng phòng NN&PTNT huyện khẳng định, đây là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, nhằm phát huy tiềm năng sẵn có về nguồn lực lao động, diện tích đất đai.

Đặc biệt để sản phẩm gà đồi chiếm lĩnh được thị trường, cùng với triển khai các hoạt động trong chuỗi liên kết sản xuất, huyện đang kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào hoạt động trên địa bàn, cùng người nông dân phát triển trên lĩnh vực nuôi gà đồi theo hướng VietGAP, trong đó ưu tiên các công ty chế biến thực phẩm đông lạnh, bao tiêu sản phẩm cho người dân; đồng thời xây dựng các điểm thu mua, tăng cường quản lý, gắn trách nhiệm duy trì, bảo vệ thương hiệu đến từng hộ chăn nuôi…

Thái Dương

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/xay-dung-thuong-hieu-ga-tha-doi-yen-thanh-176156.html