Xây dựng tiêu chí văn hóa đọc trong thư viện: Tăng trưởng phải đồng hành với thực tiễn

Sau buổi tọa đàm lấy ý kiến tại Hà Nội, mới đây Cục Thư viện (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Tọa đàm 'Các tiêu chí xây dựng thí điểm mô hình phát triển văn hóa đọc trong thư viện' tại khu vực miền Trung. Thông qua tọa đàm một lần nữa những người làm quản lý ngành thư viện đã cùng đánh giá thực trạng hoạt động của mạng lưới thư viện trong cả nước đối với mục tiêu xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng…

Thư viện chỉ thu hút được bạn đọc khi đáp ứng nhu cầu trong sự phát triển chung của xã hội.

Thư viện chỉ thu hút được bạn đọc khi đáp ứng nhu cầu trong sự phát triển chung của xã hội.

Lượng đã đồng hành với chất?

Theo báo cáo của Cục Thư viện (Bộ VHTTDL) trong năm 2017, tổng số thư viện công cộng, phòng đọc, tủ sách cơ sở là 20.768, tăng 15%; mạng lưới thư viện cấp xã là 3.257, tăng 20%; phòng đọc sách cơ sở là 16. 727, tăng 15% (so với năm 2016). Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tiến hành đổi mới hoạt động thư viện như đa dạng hóa các loại hình phát triển thư viện, triển khai các dịch vụ thư viện mới, ứng dụng CNTT, cải cách, đổi mới việc cấp thẻ thư viện; đẩy mạnh luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, bưu điện văn hóa xã, trường học, đồn biên phòng, trại giam… Bên cạnh đó, trong năm 2017, tổng lượng bạn đọc đến thư viện đạt 29 triệu lượt, tăng 8%; tổng lượt sách báo phục vụ của thư viện đạt 55 triệu lượt, tăng 20%; số thẻ bạn đọc đạt 480.000 thẻ, tăng 3% (so với 2016). Đây cũng là năm bứt phá trong công tác phục vụ bạn đọc của thư viện cấp huyện với 9,9 triệu lượt bạn đọc và 20 triệu lượt sách báo luân chuyển, tăng 40% (so với 2016).

Bên cạnh những con số tăng trưởng từ số liệu báo cáo của các thư viện và qua khảo sát thực tế cho thấy tỷ lệ người Việt Nam yêu thích đọc sách còn khá hạn chế, người dân chưa thực sự quan tâm và có thói quen đọc. Đối tượng quan tâm đến việc đọc chủ yếu vẫn là các nhà nghiên cứu, các cán bộ đã nghỉ hưu. Các đối tượng khác trong xã hội như công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, những người làm công tác quản lý, công nhân, nông dân còn ngại đọc, ít đọc. Đặc biệt, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng còn rất thấp. Người dân vẫn dành đa phần thời gian rảnh rỗi cho việc sử dụng internet… và các hình thức giải trí khác.

Trong đó, bà Vũ Dương Thúy Ngà- Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) thừa nhận: “Trong thời gian qua có nhiều lý do khác nhau như vì sinh kế, sự phát triển của internet nên việc đọc có dấu hiệu suy giảm. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, sự tiếp cận với thông tin, tri thức, cũng như lối sống lành mạnh của người Việt Nam”. Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thư viện, việc giáo dục thói quen, kỹ năng đọc chưa được quan tâm đúng mức trong gia đình và nhà trường. Việc tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của việc đọc và giới thiệu các tác phẩm có giá trị về khoa học, nghệ thuật, nhân văn cho các đối tượng đã được triển khai nhưng chưa thực sự được chú trọng. “Gia đình, nhà trường, thư viện chưa phát huy được vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc, hướng dẫn kỹ năng cũng như định hướng đọc cho trẻ em. Đồng thời, chính môi trường đọc chưa thuận lợi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng không mấy khả quan của văn hóa đọc tại Việt Nam”- bà Ngà nhận định.

Thư viện thời đại số

Có thể thấy ngoài một số thư viện lớn tại các thành phố thì thực trạng chung của các tuyến thư viện tại các địa phương đang hoạt động khá “ì ạch”. Ngay tại một thành phố lớn như Đà Nẵng thì Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng Phạm Hồng Thái cũng phải thừa nhận rằng thói quen đọc sách ở người dân hiện nay chưa được hình thành một cách vững chắc. Trong đó, thời gian dành cho việc đọc sách chưa nhiều, công tác tuyên truyền hướng dẫn đọc chưa được thực hiện thường xuyên và có định hướng, hình thức còn nghèo nàn và cứng nhắc. Ngoài ra, các hoạt động khuyến khích văn hóa đọc ở thư viện trường học chưa nhiều và chưa được sinh động. Hệ thống thư viện quận, huyện tổ chức chưa ổn định, không thống nhất nên khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành... Để khơi dậy văn hóa đọc, cần chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thư viện; hỗ trợ cho thư viện trường học về nghiệp vụ chuyên môn, lượng sách báo đầy đủ; xây dựng thói quen đọc sách cho đội ngũ trí thức trước tiên, từ đó sẽ tác động đến các thành phần khác trong xã hội…

Nhiều nhà quản lý thư viện các địa phương cũng nhìn nhận mạng lưới thư viện rộng khắp nhưng vốn tài liệu chưa thực sự phong phú. Các dịch vụ thư viện chưa thân thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng, luôn thay đổi của cộng đồng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trụ sở trang thiết bị của nhiều thư viện vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều thư viện không có kinh phí đảm bảo cho các hoạt động bình thường. Nhận thức của các ngành, các cấp về việc đọc sách chưa đúng mức; đầu tư cho hoạt động thư viện còn thấp so với yêu cầu phát triển. Vẫn còn không ít thư viện chưa được cấp ngân sách cho phát triển vốn tài liệu. Số lượng sách bình quân trên đầu người dân tại thư viện hiện nay còn cách một khoảng khá xa so với chỉ tiêu đặt ra.

Trong Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã xác định một hệ thống nhiệm vụ giải pháp để phát triển văn hóa đọc. Cụ thể là nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân về văn hóa đọc; Giáo dục thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên trong nhà trường; Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa đọc. Đặc biệt, phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật và nâng cao chất lượng cho hoạt động thư viện. Tuy nhiên, để làm được điều này thì chính những người “đứng đầu” ngành thư viện phải nhìn vào thực tế nhưng gì đơn vị đang quản lý để tìm ra phương hướng giải quyết thấu đáo và “phù hợp với sức của mình”.

Minh Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/xay-dung-tieu-chi-van-hoa-doc-trong-thu-vien-tang-truong-phai-dong-hanh-voi-thuc-tien-tintuc398516