Xây dựng tính chuyên nghiệp cho các không gian sáng tạo

Dưới sự bảo trợ của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Anh, 'Mạng lưới không gian sáng tạo (KGST) Việt Nam' (ViCHI) vừa được thành lập tại Hà Nội.

Sự kiện là dấu mốc quan trọng thể hiện tính chuyên nghiệp của các KGST, tạo đà cho sự phát triển trong thời gian tới.

Theo định nghĩa của Hội đồng Anh, KGST có thể là địa điểm thực hoặc trực tuyến, là nơi hội tụ, chia sẻ không gian, hỗ trợ các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh, thu hút cộng đồng trong lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ. KGST được xem là cơ sở nền tảng của nền công nghiệp văn hóa, bởi nhiều ý tưởng, nhiều dự án văn hóa nghệ thuật được ươm mầm, được thử nghiệm thành công rồi sau đó mới lan tỏa ra thị trường văn hóa rộng lớn. Các KGST còn là địa chỉ văn hóa để công chúng trong và ngoài nước giải trí, học tập lành mạnh, bổ ích; tạo ra việc làm, mang lại nguồn thu cho nền kinh tế…

Học sinh học múa ballet tại Kinergie Studio (Hà Nội).

Hiện nay, tại Việt Nam có gần 200 KGST (tăng gần 5 lần trong 5 năm qua) với nhiều mô hình đa dạng, như: Studio nghệ thuật, nhà sách, phố đi bộ, phố bích họa, trung tâm truyền dạy nghệ thuật phát triển năng lực… Chủ sở hữu các KGST về cơ bản là cá nhân, chỉ một số ít trực thuộc cơ quan, đơn vị, như Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS art Studio). PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng VICAS cho biết: “Trước đây, có người chỉ trích Nhà nước không quan tâm, chăm lo đến nghệ thuật đương đại; sự ra đời của VICAS art studio đã dập tắt nhận xét cực đoan kể trên. Qua hai năm hoạt động, VICAS art studio đã giúp các nhà khoa học ở VICAS hiểu sâu, góp phần nghiên cứu hiệu quả văn hóa nghệ thuật đương đại. Ngoài những hoạt động triển lãm, điểm khác biệt của VICAS art studio là tổ chức các khóa học truyền bá lý thuyết nghệ thuật cho nghệ sĩ và công chúng; mời nghệ sĩ nước ngoài đến sáng tác lưu trú và là cầu nối để nghệ sĩ Việt Nam giao lưu ở nước ngoài”.

Sở dĩ VICAS art studio làm được nhiều việc thiết thực, tạo dựng uy tín trong khoảng thời gian ngắn bởi VICAS có nhiều lợi thế đặc thù dù không hoạt động bằng ngân sách nhà nước. VICAS art studio có vị thế nằm trong cơ quan nghiên cứu hàng đầu, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại; ngoài ra, là đội ngũ nhân lực thạo việc quản lý, lập kế hoạch hoạt động, tiếp thị tác phẩm nghệ thuật, kinh doanh, nghiên cứu đào tạo, hợp tác quốc tế… Hầu hết các KGST ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ, được những cá nhân yêu văn hóa nghệ thuật, sáng tạo lập. Tính chất ngẫu hứng kiểu kinh phí còn thì làm hết thì nghỉ; hoạt động nghiệp dư thấy rõ trong mô hình quản trị và cách thức hoạt động; những người điều hành KGST rất ít có kinh nghiệm về tổ chức sự kiện, kinh doanh, công việc liên quan đến hành chính, thuế…

Với thông điệp “Nền tảng-kết nối-thúc đẩy”, sự ra đời của ViCHI nhằm khắc phục những hạn chế, góp phần phát triển nhanh, bền vững, chuyên nghiệp các KGST. Các KGST tham gia mạng lưới sẽ cùng bù đắp những khiếm khuyết, chia sẻ thông tin, hợp tác để kiến tạo các sự kiện, chương trình chất lượng. Chị Bùi Thị Thu Hiền, quản lý KGST chuyên về múa Kinergie Studio (Hà Nội) cho biết: “Các thành viên thấy rõ cần cùng nhau phát triển cộng đồng KGST, vì các loại hình nghệ thuật đều có tương tác, kết nối với nhau. Chúng tôi mong muốn ViCHI phát triển để tăng cường vị thế của KGST, làm cho môi trường phát triển không gian sáng tạo thuận lợi, cởi mở hơn, lan tỏa tiếng nói của các KGST đến cộng đồng, thu hút những nguồn đầu tư và các chính sách hỗ trợ”.

Dự kiến trong thời gian tới, ViCHI sẽ tiến hành một số công việc, như: Ra mắt website của ViCHI, hoàn thành báo cáo về các KGST năm 2019, tổ chức các khóa học về nghệ thuật, tổ chức và tham gia nhiều sự kiện mà sớm nhất là Liên hoan Truyền thông và thiết kế Việt Nam lần đầu tiên tổ chức trong tháng 11-2019… Về lâu về dài, theo xu hướng phát triển chuyên nghiệp của các ngành công nghiệp văn hóa, các KGST sẽ lớn mạnh và phát triển công sinh để tạo ra các tổ hợp sáng tạo tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Đồng thời, những mô hình hay, cách làm sáng tạo của các KGST tiên phong sẽ truyền cảm hứng để có thêm nhiều KGST ở nhiều vùng phi đô thị. Các KGST ở bên ngoài đô thị khi tiềm năng di sản văn hóa có sẵn trên địa bàn sẽ tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm hàng hóa thủ công mỹ nghệ, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Việc kiện toàn tổ chức với sự ra đời của ViCHI chỉ là bước đi ban đầu; các KGST non trẻ vẫn rất cần sự hỗ trợ, kiến tạo của các cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng mới phát huy vai trò là nơi khởi nguồn sáng tạo văn hóa nghệ thuật, đồng thời là địa chỉ giải trí văn hóa, cơ sở kinh doanh hiệu quả.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/xay-dung-tinh-chuyen-nghiep-cho-cac-khong-gian-sang-tao-599226