Xây dựng tổ chức Đảng ở nông thôn vùng Tây Bắc (Tiếp theo và hết ) (*)

Bài 2: Kỷ cương và đổi mới -Thời gian qua, công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt kết quả nhất định, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng vẫn cao nhất cả nước. Thực tế nêu trên có một phần nguyên nhân do công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ. Nhiều tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đảng viên không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, giảm sút sức chiến đấu, xa rời nhân dân.

Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Trường THPT Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Bài 1: Hạt nhân lãnh đạo từ cơ sở

Vai trò nêu gương của cấp ủy và người đứng đầu

Đại hội Đảng bộ các cấp cùng các diễn đàn, hội nghị vùng Tây Bắc mới đây khi đánh giá những kết quả, thành tựu đạt được của mỗi địa phương và toàn vùng đều khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp. Nổi bật là việc lãnh đạo, chỉ đạo và vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, làm thất bại những âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc... Thực tế ở nhiều Đảng bộ địa phương đã làm rõ thêm bài học “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”.

Tuy nhiên, còn nhiều TCCSĐ chậm đổi mới về nội dung và hình thức sinh hoạt; nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng bị buông lỏng, kỷ cương không nghiêm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội và nhiệm vụ chính trị... Một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, tha hóa về đạo đức, lối sống, tham nhũng, làm giàu bất chính, lãng phí của công, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng…

Khảo sát tại Yên Bái cho thấy, nhiều TCCSĐ đã buông lỏng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, dẫn đến nhiều đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ Đảng, các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Đơn cử có đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ vừa qua có tới 102 lượt đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có tám đảng viên bị khai trừ và 71 trường hợp phải xóa tên...

Về sự yếu kém của một số TCCSĐ, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất phân tích: Việc nhận xét, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, một số nơi chưa sâu sát, chưa phản ánh đúng năng lực, phẩm chất cán bộ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, hạn chế về năng lực, trình độ. Từ đó cũng đặt ra yêu cầu giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, chặt chẽ hơn trong bổ nhiệm, sắp xếp, sử dụng cán bộ. Đảng bộ tỉnh Sơn La đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả để xây dựng cho được hình ảnh cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu, nhất là người đứng đầu.

Việc nâng cao chất lượng quản lý đảng viên là đòi hỏi bức thiết thông qua công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Điện Biên (tỉnh Điện Biên) Nguyễn Minh Hiển cho biết, qua kiểm tra, giám sát, Huyện ủy đã quyết định kỷ luật hai TCCSĐ, tám đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý cùng 20 đảng viên khác. Làm tốt công tác quản lý đảng viên giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng chấn chỉnh, răn đe, giữ nghiêm kỷ cương, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Kinh nghiệm của Đảng bộ Bát Xát (Lào Cai) cho thấy cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ. Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí ủy viên, mỗi đồng chí phụ trách và tổ chức xây dựng từ một đến hai chương trình, đề án triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Phong (Hòa Bình) Đinh Đức Lân cho rằng: Quản lý đảng viên là khâu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, cấp ủy các cấp cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Việc tổ chức sinh hoạt gắn liền với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng chỉnh đốn Đảng. Từ đó chế độ sinh hoạt định kỳ của các cấp ủy và chi bộ đã dần đi vào nền nếp; quá trình tổ chức sinh hoạt đã bám sát các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng. Gần đây, số lượng và chất lượng đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện được nâng lên, tỷ lệ đảng viên vi phạm kỷ luật giảm nhanh.

Tuy nhiên, tại không ít TCCSĐ vùng Tây Bắc, cấp ủy chưa quan tâm đúng mức hoặc có giải pháp tốt trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Một số chi bộ chưa tuân thủ chế độ sinh hoạt theo quy định. Việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế. Chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban kiểm tra Đảng chưa toàn diện. Công tác đánh giá cán bộ tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thực chất. Kỹ năng lãnh đạo, tinh thần tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, chi bộ hạn chế, kém hiệu quả và thiếu chủ động trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bệnh hình thức, qua loa, thiếu nghiêm túc trong kiểm điểm đánh giá chất lượng, phân loại tổ chức đảng và đảng viên vẫn tồn tại dai dẳng, chưa được khắc phục ở nhiều TCCSĐ. Để tránh tình trạng đảng viên kém, chi bộ kém, cấp ủy cấp trên phải đi sâu, đi sát từng chi bộ để giúp đỡ một cách thiết thực và thường xuyên.

Mạnh từ chi bộ, vững từ thôn bản

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, tại các địa phương trong vùng nhiều đảng viên vừa hoàn thành vai trò lãnh đạo, vừa thể hiện sự gương mẫu trong vận động quần chúng thực hiện các mục tiêu quan trọng của địa phương... Trong xây dựng nông thôn mới đã lãnh đạo và vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo…

Hội nghị tôn vinh Bí thư chi bộ giỏi vùng Tây Bắc mới đây đã tổng kết bài học kinh nghiệm sâu sắc: Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt. Nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì ở địa phương cũng làm tốt.

Hang Kia và Pà Cò là hai xã vùng sâu của huyện Mai Châu (Hòa Bình) với 99% trong số hơn sáu nghìn dân là người Mông. Vài năm trước TCCSĐ ở đây còn mỏng và yếu, vai trò lãnh đạo hạn chế. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp... Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành đề án, trực tiếp lãnh đạo việc củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh địa bàn hai xã. Sau 5 năm triển khai, đảng bộ hai xã đã kết nạp 27 đảng viên mới, nâng số chi bộ ở thôn bản của hai xã từ 16 tăng lên 22. Vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng được khẳng định tạo bước phát triển khá toàn diện tại hai xã đồng bào người Mông khó khăn nhất của tỉnh... Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sơ kết đánh giá đề án, thêm một lần khẳng định: Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, cách làm trên đã được tổng kết nhằm nhân rộng tại các địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Bắc gần đây đã ban hành, triển khai các chương trình, giải pháp nhằm kiện toàn củng cố hệ thống chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo của TCCSĐ khu vực nông thôn. Mục tiêu được tập trung là vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần làm thất bại những âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc…

Tuy nhiên, tại không ít TCCSĐ vùng Tây Bắc, năng lực lãnh đạo, điều hành của một bộ phận cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở địa phương còn yếu. Một bộ phận cán bộ thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng xử lý tình huống còn hạn chế, giải quyết các vụ việc chưa khoa học, hợp lý. Việc phát triển nguồn nhân lực khu vực nông thôn vùng Tây Bắc cũng đang là thách thức, thể hiện ở sự yếu kém về trình độ và năng lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên; bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cơ cấu cán bộ theo thành phần dân tộc chưa bảo đảm…

Hiện trạng đó đòi hỏi TCCSĐ phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sùng tâm niệm: Trong điều kiện, tình hình mới khi kinh tế thị trường phát triển, việc nâng cao chất lượng quản lý đảng viên là đòi hỏi bức thiết. Sức mạnh to lớn của Đảng là ở chỗ khéo kết hợp sức mạnh của chi bộ với sức mạnh của từng đảng viên. Thực tiễn tại các Đảng bộ huyện cho thấy, việc kiểm tra, giám sát, công tác quản lý đảng viên ở cơ sở được tăng cường đã giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đảng viên.

Để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của từng TCCSĐ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Hà Thị Nga trao đổi: Trước hết, tiếp tục nêu cao vai trò trách nhiệm và tính gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị. Lãnh đạo các cấp đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, sâu sát cơ sở, thấu hiểu cán bộ và nhân dân, đủ năng lực vận động, thuyết phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Đây cũng là một trọng tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy hiện nay.

Coi trọng công tác phát triển Đảng, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ là một nội dung quan trọng trong đổi mới, chỉnh đốn của các TCCSĐ vùng Tây Bắc trong tình hình hiện nay cũng là một nội dung tổng kết có ý nghĩa của nhiều đại biểu tại Hội nghị tuyên dương người có uy tín tiêu biểu của 14 tỉnh vùng Tây Bắc vừa diễn ra tại Phú Thọ.

Như vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, xây dựng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách của toàn vùng Tây Bắc. Trước hết là đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy; phát triển Đảng khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng TCCSĐ với đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 18-1-2017.

Bài và ảnh: LÊ MẬU LÂM, VĂN TOÁN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31874502-xay-dung-to-chuc-dang-o-nong-thon-vung-tay-bac.html