Xây dựng tổ chức hội vững mạnh trước yêu cầu, nhiệm vụ mới

Thực hiện phương châm 'Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam', Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ III (2013-2018) với những dấu ấn quan trọng trên nhiều lĩnh vực công tác.

Những thành tựu đạt được 5 năm qua góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; đó cũng chính là động lực để toàn hội hướng tới nhiệm kỳ IV (2018-2023) với tâm thế vững tin, vượt khó, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

Tham mưu trúng, phối hợp hiệu quả với cơ quan chức năng

Chuyển biến rõ nhất trong nhiệm kỳ, đó là hội chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, tổ chức, đoàn thể trong triển khai chương trình công tác theo từng năm, từng nhiệm vụ. Theo đó, hội phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tham mưu, đề xuất Ban Bí thư chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo kết luận số 292-TB/TW và ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, Chỉ thị 14-CT/TW “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng” trong đó có người hoạt động kháng chiến là nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)…

Chương trình đi bộ đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: THU HƯƠNG

Trung ương Hội chủ động phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư tại 35 tỉnh, thành ủy, UBND tỉnh. Hội ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Bộ LĐ-TB&XH; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐDC. Cùng với đó, hầu hết, các cấp hội đều chủ động ký kết và phối hợp thực hiện chương trình công tác với các tổ chức cùng cấp. Qua đó hoạt động hội từ Trung ương đến cơ sở chuyển biến rõ rệt; công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được thực hiện tốt hơn.

Thành công từ kết quả xây dựng tổ chức hội và sáng tạo tuyên truyền

Công tác xây dựng tổ chức hội được các cấp hội xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Vì vậy, tổ chức hội đến nay được thành lập ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở và các chi hội ở thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố trong cả nước, với hơn 4.000 hội viên. Hội các cấp có quan hệ với nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới và ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối của hơn 3 triệu nạn nhân CĐDC với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức cá nhân, cộng đồng xã hội và là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nạn nhân CĐDC Việt Nam.

Hội đã tập hợp và xây dựng được một đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, có nhiều kinh nghiệm, làm nòng cốt trong tuyên truyền, đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục thảm họa da cam và chính sách đối với nạn nhân CĐDC vào cuộc sống, đặc biệt là Chỉ thị 43, Chỉ thị 14 của Ban Bí thư và các hoạt động nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam, 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ… qua đó tạo hiệu ứng xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước và nước ngoài chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC và ủng hộ nạn nhân trong cuộc đấu tranh đòi công lý.

Cùng với đó, các cấp hội từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, tuyên truyền phản ánh về các lĩnh vực công tác hội, biểu dương những tấm gương nạn nhân vượt khó vươn lên, cán bộ hội tâm huyết, những tấm lòng hảo tâm đồng hành với nạn nhân CĐDC; tổ chức tuyên truyền miệng, trưng bày hình ảnh, hiện vật, pa-no, khẩu hiệu, tờ gấp, thư ngỏ, sách và các ấn phẩm khác phục vụ tuyên truyền... Đã có rất nhiều sự kiện quan trọng trong 5 năm qua được tổ chức thành công, tạo dấu ấn và sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Điển hình là những hoạt động nhân dịp 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, như: Đại hội thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” toàn quốc lần thứ III; Hội thảo khoa học quốc tế về “Đánh giá tác hại của CĐDC/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; Triển lãm “Da cam-Lương tri và công lý”; “Vinh danh những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân CĐDC”; cùng nhiều chương trình nghệ thuật giàu tính nhân văn khác… Các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về hậu quả cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành tại Việt Nam, từ đó huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam.

Vận động, huy động nhiều nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam

5 năm qua, các cấp hội đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nguồn lực, ủng hộ Quỹ nạn nhân CĐDC được gần 1.140 tỷ đồng. Từ nguồn vận động xã hội hóa, các cấp hội đã hỗ trợ gần 1.147 tỷ đồng cho nạn nhân (trong đó xây dựng 26 trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng và các cơ sở xông hơi giải độc cho nạn nhân CĐDC; xây dựng 1.972 nhà tình nghĩa, tình thương; trợ cấp 3.958 suất học bổng; trợ giúp việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng thẻ BHYT; trợ cấp khó khăn, thăm, tặng quà lễ, tết cho hàng chục nghìn lượt nạn nhân…).

Các hoạt động trên góp phần động viên nạn nhân và gia đình thân nhân khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hầu hết nạn nhân CĐDC được quan tâm thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày Vì nạn nhân CĐDC (10-8)... Đặc biệt, 26 trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân thật sự trở thành “mái ấm” của gần 1.000 nạn nhân được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây; 11 cơ sở xông hơi giải độc giúp gần 5.000 nạn nhân và CCB được cải thiện sức khỏe, giảm bệnh tật, tinh thần lạc quan hơn. Các cấp hội còn tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, giúp nhiều nạn nhân được hưởng chế độ.

Công tác đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân luôn được hội xác định là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, phải kiên trì thực hiện. Do vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vụ kiện nói riêng và cuộc đấu tranh đòi công lý nói chung của nạn nhân CĐDC Việt Nam thu được nhiều kết quả quan trọng, cuộc đấu tranh này vẫn tiếp tục trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển.

Phát huy thành quả, chủ động, sáng tạo đổi mới

Với những thành tích nổi bật trong nhiệm kỳ 2013-2018, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam được Ban Bí thư tặng bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam”, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; 19 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua" cho 2 tập thể và 55 bằng khen cho các tập thể và cá nhân; gần 3.000 lượt tập thể, cá nhân của các cấp hội được Ủy ban MTTQ, các bộ, ban, ngành, Trung ương hội, chính quyền địa phương các cấp khen thưởng.

Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, “đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ IV. Trước hết, tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng hoạt động của các cấp hội. Đồng thời, coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hiện thực hóa các chủ trương, chỉ thị, kết hợp với nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, kinh nghiệm quý trong thực tiễn. Đặc biệt, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong tổ chức hội, vừa để tăng cường uy tín, nâng cao vị thế của hội, vừa để bảo đảm cho hội ổn định và phát triển, đạt được mục tiêu: Hội làm chỗ dựa bảo vệ cho nạn nhân, vì nạn nhân CĐDC Việt Nam.

Cùng với đó, hội chú trọng đổi mới cách thức vận động nguồn lực, xây dựng quỹ theo hướng tài trợ gắn với địa chỉ, mục tiêu. Phấn đấu vận động quỹ của toàn hội đạt từ 900 đến 1.000 tỷ đồng trong nhiệm kỳ 2018-2023. Các cấp chủ trương gắn kết những nội dung chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân của hội với các chương trình kinh tế-xã hội của Nhà nước, của địa phương; gắn kết Phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” với các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phát triển hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân tại gia đình với sự góp sức của cả cộng đồng…

Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/xay-dung-to-chuc-hoi-vung-manh-truoc-yeu-cau-nhiem-vu-moi-556116