Xây dựng tổ chức lớn mạnh

Do hoạt động tài chính công đoàn có nhiều thay đổi, đặc biệt là trích nộp 2% kinh phí công đoàn đối với khối sản xuất, kinh doanh, khiến việc chỉ đạo triển khai công tác tài chính công đoàn gặp khó khăn. Song, với sự chủ động phối hợp với các ban chuyên môn, công tác tài chính công đoàn của Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Công đoàn Công Thương VN Trần Quang Huy (thứ 4, từ phải sang) trao Bằng khen Tổng LĐLĐVN cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Chủ tịch Công đoàn Công Thương VN Trần Quang Huy (thứ 4, từ phải sang) trao Bằng khen Tổng LĐLĐVN cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Theo lãnh đạo Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, để hoạt động công đoàn hiệu quả, ngoài đội ngũ cán bộ công đoàn giỏi, nhiệt tình với phong trào, nhận được sự ủng hộ của chuyên môn đồng cấp, yếu tố quan trọng là phải có nền tài chính vững chắc. Đây là điều kiện, công cụ phục vụ đắc lực cho các hoạt động của tổ chức công đoàn; góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh.

Xác định rõ yếu tố này, ngay từ đầu năm, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở lập kế hoạch, nỗ lực hoàn thành công tác tài chính của năm. Công đoàn đã chủ động phối hợp với ban chuyên môn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thông qua xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm để kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp đóng kinh phí, đoàn phí công đoàn. Theo đó, các khoản chi cơ bản bảo đảm chế độ hoàn thành theo tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, hiệu quả sử dụng tài chính công đoàn được nâng lên. Công tác tài chính công đoàn đảm bảo cho các cấp công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, góp phần phát triển phong trào công nhân, viên chức, lao động và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Cụ thể, trong năm 2018, công đoàn đã thường xuyên rà soát sự biến động về số lao động, quỹ lương tham gia đóng bảo hiểm để xây dựng và giao dự toán thu - chi tài chính công đoàn cơ sở. Qua đó, xây dựng dự toán thu - chi tài chính công đoàn; giao dự toán đến 100% các công đoàn cơ sở trực thuộc. Công đoàn còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác tài chính cho các chủ tịch và cán bộ phụ trách công đoàn cơ sở. Nhờ vậy, năm 2018, việc thực hiện tài chính công đoàn đối với các công đoàn cơ sở và với công đoàn cấp trên đã đạt được kế hoạch đề ra.

Dự báo, năm 2019, tình hình sản xuất, kinh doanh của tập đoàn sẽ gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của một bộ phận đoàn viên, người lao động. Một số đơn vị vẫn còn bị lỗ, nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thiếu nhiều. Việc tập đoàn tiếp tục thoái vốn tại một số doanh nghiệp theo lộ trình cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện công tác tài chính công đoàn.

Để khắc phục khó khăn, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam và các công đoàn cơ sở đã xác định tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Cụ thể, thực hiện nghiêm các quy định về tài chính công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đặc biệt quy định về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu; tiếp tục đổi mới giao dự toán thu - chi tài chính công đoàn cho các đơn vị dự toán công đoàn; bảo đảm số giao sát với thực tế từng đơn vị, doanh nghiệp; làm tốt quyết toàn thu - chi ngân sách công đoàn năm 2018; đôn đốc các đơn vị thu nộp đầy đủ kinh phí, đoàn phí công đoàn theo tỷ lệ quy định…

Để thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, ngoài việc các khoản chi cần bám sát nội dung hoạt động công đoàn, đúng quy định của nhà nước, Tổng LĐLĐVN cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cấp công đoàn trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-to-chuc-lon-manh-123072.html