Xây dựng TP.HCM thành đô thị đọc sách

Ngoài khẳng định là địa phương đầu tàu kinh tế, chính trị, xã hội, TP.HCM còn có hoạt động văn hóa đọc đa dạng. Điều này được khẳng định qua Lễ hội Đường sách Tết.

Hơn 10 năm qua, ngoài những điểm đến truyền thống, TP.HCM còn hình thành một điểm du xuân tri thức. Đường sách Tết đã trở thành lễ hội văn hóa đẹp cho người dân thành phố. Năm nay, lễ hội được chuyển tới không gian rộng, vị trí trung tâm, nơi được ví là trái tim của thành phố.

Ông Lâm Đình Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - chia sẻ về nét đặc sắc của Lễ hội Đường sách Tết năm nay cũng như chủ trương phát triển văn hóa đọc của thành phố.

Lễ hội về sách có quy mô lớn

- Thưa ông, điều gì khiến Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão rời địa điểm quen thuộc là tuyến đường Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi - Ngô Đức Kế sang tổ chức ở đường Lê Lợi?

- Lễ hội Đường sách Tết là hoạt động văn hóa thường niên của TP.HCM được tổ chức để phục vụ người dân và du khách đến tham quan tại thành phố vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Trải qua 12 năm, Lễ hội Đường sách Tết được tổ chức trên tuyến đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế đã trở thành một điểm đến quen thuộc của bạn đọc, người dân và du khách thành phố. Đây là một trong những nét son trong phong trào phát triển văn hóa đọc của TP.HCM.

Năm 2023, Lễ hội Đường sách Tết được tổ chức ở địa điểm mới. Tuyến đường Lê Lợi vừa được tái lập sau 8 năm bị rào chắn để thực hiện dự án metro, Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão được tổ chức tại tuyến đường này càng trở nên ý nghĩa hơn.

Đường Lê Lợi, quận 1 có vị trí quan trọng về mặt cảnh quan, tọa lạc ngay phía trước không gian của công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, là không gian có ý nghĩa chính trị quan trọng của thành phố. Ngoài ra, đường Lê Lợi là một trong các tuyến đường trọng tâm của thành phố nằm ngay trung tâm quận 1, chiều dài khoảng 950 m, từ phía trước chợ Bến Thành đến trước Nhà hát Thành phố; đồng thời cũng là một trong 22 tuyến theo kế hoạch sẽ được tổ chức phố đi bộ ở trung tâm thành phố trong thời gian sắp tới tới.

 Hình ảnh tại Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Duy Hiệu.

Hình ảnh tại Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Duy Hiệu.

Mang chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Xuân an vui, xuân thịnh vượng”, Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023 có quy mô lớn nhất, số lượng đơn vị tham gia nhiều nhất trong lịch sử 13 năm tổ chức. Quy mô lễ hội năm 2023 gấp ba lần, diện tích gấp bốn lần so với năm 2022; đảm bảo không gian trưng bày, đáp ứng được sự mong đợi và nhu cầu đối với văn hóa đọc của người dân.

Với vị trí này, lễ hội sẽ thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, du khách và người dân thành phố đến vui xuân.

- Với việc chuyển địa điểm như vậy, lễ hội năm nay sẽ có các không gian chính như thế nào?

- Với mục đích tạo điểm du xuân đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân trên địa bàn thành phố, Lễ hội Đường sách Tết được tổ chức với nhiều hoạt động, trải nghiệm, tương tác trong suốt thời gian diễn ra.

Bên cạnh các hoạt động du xuân thưởng lãm, Lễ hội Đường sách Tết hàng năm gắn với nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của thành phố nói riêng và đất nước nói chung. Đây là một trong những nội dung quan trọng, cốt lõi của Lễ hội Đường sách Tết. Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão trên tuyến đường Lê Lợi được chia thành 3 khu vực chính.

Đoạn Nguyễn Huệ - Pasteur: Là khu vực sân khấu chính diễn ra Lễ Khai mạc, Khu triển lãm Báo xuân 2023, các Khu vực triển lãm gắn với các dấu mốc lịch sử vàng son của dân tộc. Bên cạnh đó còn khu vực trưng bày nghệ thuật sách Việt Nam - sách quý có giá trị...

Đoạn từ Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa là không gian dành cho công nghệ trong ngành sách như sách nói, thư viện thông minh và khu vực dành cho các gian hàng đơn vị xuất bản, phát hành với nhiều tựa sách hay, đa dạng thể loại cùng nhiều hoạt động diễn ra trong suốt thời gian Lễ hội.

Đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến vòng xoay Quách Thị Trang là khu vực dành cho thiếu nhi với gian hàng sách, khu vui chơi nhằm khuyến khích đọc, khuyến khích khả năng tư duy, sáng tạo của các em và là khu vực dừng chân nghỉ ngơi cho bạn đọc và người dân đến tham quan.

- Trong thời gian diễn ra, Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão có những sự kiện gì nổi bật? Đâu là điểm đặc biệt thu hút người dân dịp Tết này?

- Lễ hội có sự tham gia của hơn 20 đơn vị đồng hành được tổ chức với 4 cụm nội dung chính.

Thành phố luôn tạo điều kiện tổ chức các không gian văn hóa, góp phần xây dựng một đô thị đọc sách và xa hơn là một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ông Lâm Đình Thắng.

Khu vực triển lãm gồm: Khu triển lãm Báo Xuân 2023; Khu vực triển lãm Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh với chủ đề Đảng - Bác Hồ và mùa xuân; Khu vực triển lãm kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1988 - 20/8/2023); Khu vực triển lãm kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/01/1973 - 27/01/2023); Khu vực triển lãm kỷ niệm 325 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh (1968 - 2023).

Đặc biệt, lần đầu tiên tổ chức triển lãm không gian Nghệ thuật sách Việt Nam giới thiệu những quyển sách phiên bản giới hạn được đầu tư tỉ mỉ, gia công kỹ lưỡng bằng những chất liệu quý.

Không gian trải nghiệm sách điện tử, sách nói, thư viện sách thông minh; trải nghiệm khu vực tái hiện không gian Tết xưa.

Khu vực đọc, trao đổi sách được 20 nhà xuất bản, công ty sách hàng đầu trên cả nước chăm chút, đầu tư với 38 gian hàng cung cấp khoảng 50.000 tựa sách, gần 100.000 bản sách và nhiều hoạt động tương tác với mong muốn du khách và bạn đọc được trải nghiệm “Tết” thật ý nghĩa vừa mang đậm chất truyền thống nhưng vẫn hiện đại, sáng tạo, đổi mới.

Đặc biệt tại Đường sách Tết Quý Mão 2023, ban tổ chức đã bố trí Khu vực dành cho thiếu nhi với gian hàng sách, khu vui chơi nhằm khuyến khích phát triển văn hóa đọc, khả năng tư duy, sáng tạo của các em và là khu vực dừng chân nghỉ ngơi cho bạn đọc và người dân đến tham quan.

Trong suốt thời gian lễ hội sẽ có 60 chương trình biểu diễn, giao lưu, tương tác, trải nghiệm dành cho thiếu nhi, bạn đọc và du khách.

Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão là lần đầu tiên các hạng mục được trình bày theo hình thức song ngữ (Việt - Anh) và thông tin tư liệu được mã hóa QR code để phục vụ cho người dân và du khách.

Tiệc tinh thần dịp Tết Nguyên đán

- Sau 12 năm thực hiện, Lễ hội Đường sách Tết đã mang lại hiệu quả gì trong đời sống tinh thần người dân thành phố?

- Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão năm 2023 đánh dấu 13 năm tổ chức của sự kiện văn hóa này. Năm nay Lễ hội được tổ chức trên tuyến đường Lê Lợi là sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của lãnh đạo thành phố về tính hiệu quả, những giá trị mà Lễ hội Đường sách Tết mang đến cho người dân, bạn đọc và du khách đến thành phố tham quan vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Đây là chương trình văn hóa lớn, bữa “đại tiệc” tinh thần vào dịp Tết Nguyên đán do thành phố tổ chức, đã trở thành điểm du xuân của du khách trong nước, quốc tế nói chung và nhân dân TP.HCM nói riêng, góp phần khuyến khích, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh phục vụ vui xuân thưởng lãm cho người dân, Lễ hội Đường sách Tết còn là phương tiện để thành phố truyền tải những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của con người Việt Nam, tuyên truyền các sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của thành phố nói riêng và đất nước nói chung, góp phần giáo dục truyền thống, những nét đẹp của văn hóa và con người Việt Nam.

Lễ hội Đường sách Tết góp phần lan tỏa tinh thần hiếu học, khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng, ngoài khẳng định là địa phương đầu tàu kinh tế, chính trị, xã hội thì còn là địa phương có hoạt động văn hóa đọc nhộn nhịp đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Trong đó Lễ hội Đường sách Tết hàng năm được xem là hoạt động văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần của người dân thành phố.

Tại Lễ hội Đường sách Tết năm 2023, du khách có thể tìm kiếm những cuốn sách hay có giá trị và trải nghiệm ngay tại Lễ hội Đường sách Tết nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc, phát huy tinh thần hiếu học, với phương châm “sách có mặt ở khắp nơi” ngay trong dịp nghỉ lễ của cả đất nước.

Đông đảo người dân thành phố đến du xuân tại Lễ hội Đường sách Tết 2023. Ảnh: Duy Hiệu.

- Theo ông, các hoạt động phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã được quan tâm, đầu tư phát triển đúng mức?

- Lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ rất quan tâm, đã có những chỉ đạo, chủ trương tạo điều kiện cho ngành xuất bản của thành phố ngày càng phát triển, đồng hành gắn với hoạt động phát triển văn hóa đọc của thành phố.

Xem vai trò của ngành xuất bản, phát hành và phát triển phong trào đọc sách là một trong những nhiệm vụ, sứ mệnh của TP.HCM.

Ông Lâm Đình Thắng.

Các chủ trương nhằm thúc đẩy, khuyến khích và phát huy tinh thần hiếu học của người dân thành phố; quan tâm tạo điều kiện tổ chức thường xuyên các không gian văn hóa để đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân thành phố và du khách, qua đó góp phần xây dựng một đô thị đọc sách và xa hơn là một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình đến với bạn bè quốc tế.

Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng và tiếp tục kế thừa, phát huy nền tảng, thiết chế văn hóa hiện nay trên địa bàn thành phố, những chính sách, giải pháp phát triển văn hóa nói chung và phát triển văn hóa đọc nói riêng đến nay đã phát huy hiệu quả và nhận được những kết quả, chuyển biến tích cực.

Trong suốt thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với nhiều đơn vị, nhất là với Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Xuất bản Việt Nam xây dựng chính sách đầu tư phát triển văn hóa hóa đọc nói chung và ngành xuất bản, phát hành nói riêng.

Thông qua các hoạt động, sự kiện, thành phố muốn tạo sân chơi đồng hành cùng các đơn vị xuất bản, phát hành tham gia cũng như tạo dựng các không gian văn hóa để phục vụ đáp ứng nhu cầu tinh thần, thụ hưởng của người dân thành phố… Việc đầu tư cho văn hóa thể hiện rõ nhất qua việc Đường sách TP.HCM và các công trình, thiết chế văn hóa khác gắn liền phát triển văn hóa đọc như đường sách, công viên sách, cà phê sách, điểm sáng văn hóa về sách…

Sự ra đời của các mô hình này là một “công trình văn hóa” và là một “nét son” về việc tạo dựng một không gian văn hóa đọc, điểm đến văn hóa tinh thần của người dân thành phố và cả nước, xứng đáng là niềm tự hào của người làm xuất bản, niềm tin yêu của cư dân TP.HCM.

Điều đó cho thấy chủ trương chính sách của thành phố trong việc đầu tư văn hóa tức đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai hoàn toàn đúng đắn, góp phần tiến tới hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.

Theo đó, xem vai trò của ngành xuất bản, phát hành và phát triển phong trào đọc sách là một trong những yếu tố quan trọng; phát triển văn hóa đọc việc xây dựng, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ then chốt của ngành xuất bản thành phố mà Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho là sứ mệnh, nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa đọc, tạo ra nhiều hơn sân chơi, môi trường, không gian đọc cho người dân thành phố, nhất là giới trẻ; tiếp tục đề xuất nhân rộng các địa điểm, thiết chế văn hóa như Đường sách TP Thủ Đức, Bình Chánh, quận 7 đi vào hoạt động… Tiếp tục triển khai chương trình đưa sách về các trường học, thư viện thuộc 5 huyện ngoại thành của thành phố.

Đỗ Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xay-dung-tphcm-thanh-do-thi-doc-sach-post1391268.html