Xây dựng trái phép tại TP. Biên Hòa: Sự im lặng khó hiểu từ chính quyền tỉnh Đồng Nai

Nhiều nỗ lực kết nối với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu quan điểm của địa phương về vụ việc 2 dự án khu dân cư tại thành phố Biên Hòa rầm rộ thi công hạ tầng, phân lô và bán đất nền khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị của Báo Đầu tư Online đều rơi vào vô vọng bởi sự im lặng khó hiểu từ những người đứng đầu UBND tỉnh này. Giả thuyết về sự phớt lờ trước những sai phạm chẳng phải vô căn cứ!

Những vi phạm về đất đai, xây dựng tại Khu đất tại đường Điều Xiển, phường Tân Hòa chưa được xử lý dứt điểm

Chính quyền phớt lờ sai phạm

Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đăng tải các bài viết: “Thành phố Biên Hòa: Rầm rộ phân lô đất sản xuất, kinh doanh để bán nền đất ở”, xuất bản ngày 17/7/2019; “Xây dựng trái phép tại TP. Biên Hòa: Dấu hỏi lớn cho công tác quản lý đất đai, xây dựng”, xuất bản ngày 20/7/2019. Các bài viết trên đây phản ánh việc xây dựng hạ tầng khu dân cư, phân lô bán nền tại 2 khu đất thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa.

Thứ nhất, khu đất 2,8 ha tại đường Điều Xiển, phường Tân Hòa được tỉnh Đồng Nai cho Công ty cổ phần Đồng Nai thuê với mục đích sử dụng sản xuất, kinh doanh. Hiện tại là khu vực được các nhân viên tư vấn BĐS quảng cáo là Dự án khu đô thị Golden Center City 4 do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Thuận Lợi, thành viên Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh làm chủ đầu tư.

Thứ hai, khu đất 10.941,5 m2 chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Hùng Đại Dương, tại khu phố Long Điền, phường Long Bình Tân với mục đích sử dụng là đất sản xuất công nghiệp.

Quá trình tác nghiệp thực hiện các bài báo, phóng viên Báo Đầu tư Online đã liên hệ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai để nắm bắt thông tin về quan điểm cũng như biện pháp xử lý các sai phạm từ phía cơ quan quản lý nhà nước sau khi cơ quan báo chí lên tiếng. Tuy nhiên, thông tin phản hồi từ phía các cơ quan nhà nước liên quan tỉnh Đồng Nai rất giới hạn.

Trước đó, ngoài nguồn thông tin tìm hiểu của Báo Đầu tư Online, chúng tôi chỉ được Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết khu đất 10.941,5 m2 tại phường Long Bình Tân được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương thực hiện đầu tư khu dân cư và chủ đầu tư đang lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Sở này cũng khẳng định khu đất 2,8 ha đường Điều Xiển, phường Tân Hòa chưa được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu dân cư. Đơn vị trước đó được tỉnh cho thuê đất, Công ty cổ phần Đồng Nai, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở dự án theo quy định.

Về vấn đề doanh nghiệp tự ý xây dựng hạ tầng khu dân cư, phân lô rao bán đất nền trái phép, lãnh đạo phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai xác tín qua điện thoại rằng “không nắm rõ việc các doanh nghiệp đang xây dựng hạ tầng khu dân cư” và quản lý xây dựng các khu đất trên đây thuộc thầm quyền quản lý của UBND thành phố Biên Hòa.

Nghị quyết 82/2019/QH14 vừa được Quốc hội Khóa XIV thông qua nêu rõ Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các Dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu Dự án có sử dụng đất; làm rõ các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu Dự án có sử dụng đất. Rà soát, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, xác định nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện lộ trình di dời...cơ sở công nghiệp, sản xuất... ra ngoài trung tâm các đô thị theo phương án được phê duyệt... bàn giao quỹ đất sau di dời cho địa phương quản lý. Nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai. Đây là các nội dung chính quyền tỉnh Đồng Nai cần tham chiếu trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng hàng chục khu đất tại TP. Biên Hòa.

Trong một diễn biến liên quan, theo tìm hiểu riêng của Báo Đầu tư Online, ngày 14/8/2018 Công ty cổ phần Đồng Nai đã bị UBND phường Tân Hòa lập biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC do ông Mai Thanh Tuấn, công chức địa chính xây dựng phường lập vì hành vi xây dựng trái phép tại khu đất 2,8 ha đường Điều Xiển, phường Tân Hòa. Sau đó, UBND thành phố Biên Hòa cũng ban hành Quyết định số 3837/QĐ-XPVPHC ngày 21/8/2018 xử phạt hành vi xây dựng trái phép tại khu đất này.

Tuy nhiên, ngày 15/11/2018, Công ty cổ phần Đồng Nai gửi văn bản số 115/GT-CODONA2019 cho UBND thành phố Biên Hòa giải trình việc xin gia hạn bổ sung hồ sơ dự án phường Tân Hóa (Khu đô thị Golden Center City 4).

Cho tới thời điểm ngày 26/3/2019, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa ký văn bản số 3379/UBND-NC gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Quản lý trật tự đô thị và UBND phường Tân Hòa chỉ đạo gia hạn xử lý công trình vi phạm của Công ty cổ phần Đồng Nai.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa chấp thuận cho Công ty cổ phần Đồng Nai gia hạn thực hiện Quyết định số 3837/QĐ-XPVPHC tới ngày 30/6/2019. Cũng tại văn bản này lãnh đạo thành phố Biên Hòa yêu cầu Công ty cổ phần Đồng Nai khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý và phải ngưng mọi hoạt động xây dựng, đầu tư, kinh doanh cho đến khi dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

“Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Quản lý trật tự đô thị và UBND phường Tân Hòa chủ động giám sát việc thực hiện, kịp thời thma mưu, đề xuất UBND thành phố Biên Hòa xử lý công trình vi phạm ngay sau thời gian được gia hạn. Trường hợp đến thời gian mà Công ty chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án thì tham mưu UBND thành phố xử lý dứt điểm công trình vi phạm theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để công trình vi phạm tồn tại”, văn bản 3379/UBND-NC ghi rõ.

Tuy nhiên, tại thời điểm ngày 1/8/2019, thông tin mà Báo Đầu tư Online có được, thì khu đất 2,8 ha đường Điều Xiển, phường Tân Hòa được tỉnh Đồng Nai cho Công ty cổ phần Đồng Nai thuê với mục đích sản xuất, kinh doanh chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp phép xây dựng. Điều khó lý giải là dù vi phạm sờ sờ nhưng hệ thống hạ tầng khu dân cư xây dựng trái phép tại đây vẫn mặc nhiên tồn tại mà không hề hần gì.

Nhắc lại rằng, việc xây dựng hạ tầng khu dân cư tại các khu đất ở các phường Tân Hòa, Long Bình Tân chưa hoàn thành 2 thủ tục cấp phép chính yếu. Đó là, cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh sang đất ở đô thị và cấp phép xây dựng.

Trước nghịch lý trên, Báo Đầu tư Online liên hệ với các Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng. Rất tiếc rằng, mọi nỗ lực kết nối thông qua hội thoại và tin nhắn từ ngày 24/7/2019 tới nay của chúng tôi đều không nhận được hồi đáp.

Tình trạng mù tịt thông tin cũng tương tự khi phóng viên Báo Đầu tư Onlinethiết lập kết nối thông tin với vị lãnh đạo cao nhất UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh. Có thể khẳng định thông tin phản hồi từ chính quyền địa phương trước những vi phạm báo chí nêu tựa hồ “bóng chim tăm cá”.

Kỷ cương quản lý đất đai, xây dựng đang bị thách thức!

Câu chuyện vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng tại các khu đất mà Báo Đầu tư Online đăng tải trong loạt bài viết vừa qua đặt trong tương quan so sánh với con số 29 dự án “ma” của Công ty cổ phần Alibaba xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian gần đây có thể là sự so sánh khập khiễng.

Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là cách xử lý vấn đề của cơ quan hữu trách ở địa phương phát đi chỉ dấu kỷ cương luật pháp về quản lý đất đai, xây dựng đang bị các doanh nghiệp vi phạm thách thức nghiêm trọng.

“Lỗ hổng” quản lý liệu có được chính quyền tỉnh Đồng Nai nhanh chóng và quyết tâm vá để không tái diễn nghịch lý “con voi chui lọt lỗ kim” trong tương lai? Nghịch lý vi phạm không được xử lý thấu đáo không chỉ khiến dư luận bức xúc; khách hàng mua đất, nhà ôm nhiều rủi ro mà còn để lại hệ lụy xâu xí về hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Cần phải nhấn mạnh rằng mới đây, ngày 14/6/2019, Quốc hội Khóa XIV thông qua Nghị quyết số 82/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo đó, Nghị quyết 82/2019/QH14 đánh giá việc giao đất, cho thuê đất thông qua phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất có những trường hợp còn chưa tuân thủ quy trình và quy định của pháp luật, nhiều trường hợp chỉ định nhà đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Một số giải pháp Nghị quyết đưa ra là Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; làm rõ các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Rà soát, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, xác định nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện lộ trình di dời...cơ sở công nghiệp, sản xuất... ra ngoài trung tâm các đô thị theo phương án được phê duyệt... bàn giao quỹ đất sau di dời cho địa phương quản lý.

Nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai.

Có thể nhận định, nhiều nội dung trong Nghị quyết 82/2019/QH14 chính quyền tỉnh Đồng Nai cần tham chiếu trong quá trình thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng hàng chục khu đất tại thành phố Biên Hòa.

Một diễn biến liên quan khác cũng rất đáng chú ý về lĩnh vực xây dựng. Đó là, trong văn bản số 1684/BXD-QLN ban hành ngày 19/7/2019 Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương tổ chức triển khai thực hiện nhiều nội dung để tăng cường công tác quản lý để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản.

Theo đó, nội dung đáng chú ý là “thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản. Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo thì cần chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. “Có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái quy định pháp luật”.

Trong bối cảnh chung như vậy, việc các cơ quan hữu trách và UBND tỉnh Đồng Nai chậm chạm trong việc xử lý các vi phạm đất đai, xây dựng được Báo Đầu tư Online nêu ra là một động thái khó lý giải về tính hợp lý.

Câu trả lời cho nghi vấn chính quyền tỉnh Đồng Nai im ắng, phớt lờ trước những sai phạm cũng dễ mường tượng nếu muốn đưa ra lời giải đáp(!?).

Báo Đầu tư Online liên hệ với các Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai và xây dựng. Rất tiếc rằng, mọi nỗ lực kết nối thông qua hội thoại và tin nhắn từ ngày 24/7/2019 tới nay của chúng tôi đều không nhận được hồi đáp. Tình trạng mù tịt thông tin cũng tương tự khi phóng viên Báo Đầu tư Online thiết lập kết nối thông tin với vị lãnh đạo cao nhất UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch. Thông tin phản hồi từ chính quyền địa phương trước những vi phạm báo chí nêu tựa hồ “bóng chim tăm cá”

Phát hiện thêm 3 khách sạn xây dựng sai phép ở Đà Nẵng

Hà Nội thanh tra việc sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn

TP.HCM sẽ thí điểm cho xây nhà trên đất nông nghiệp

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/xay-dung-trai-phep-tai-tp-bien-hoa-su-im-lang-kho-hieu-tu-chinh-quyen-tinh-dong-nai-217220.html