Xây dựng và phát huy vai trò 'cầu nối' của người có uy tín

Với mục tiêu 'Lắng nghe những tiếng nói trực tiếp ở địa phương, ở cơ sở', Hội thảo Chuyên đề do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội thực sự là diễn đàn để tìm ra những giải pháp nhằm tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng DTTS.

“Cầu nối” giữa Nhà nước với đồng bào

Công tác lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò NCUT trong đồng bào DTTS đã được Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam triển khai từ năm 2008. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, đội ngũ NCUT đã trở thành những người giữ vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào DTTS sinh sống ở các thôn, bản, khu dân cư thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Mới đây, tại Quyết định số 12/2018/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí lựa chọn, công nhận NCUT và chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS”, cả nước đã bầu chọn được 34.031 NCUT trong nhiều lĩnh vực từ các khu dân cư có đông đồng bào DTTS.

Hội thảo đã ghi nhận những đóng góp thiết thực của các ban, ngành, địa phương về vai trò của người có uy tín

Hội thảo đã ghi nhận những đóng góp thiết thực của các ban, ngành, địa phương về vai trò của người có uy tín

Phát biểu tại Hội thảo Chuyên đề “Phát huy vai trò NCUT trong đồng bào các DTTS”, ông Đỗ Văn Chiến – Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho rằng: Trong tiến trình phát triển, tùy theo phong tục tập quán mà mỗi dân tộc ở các vùng, miền khác nhau đều có những NCUT, được dân làng nể trọng. NCUT không chỉ có vai trò quan trọng đối với gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư, mà còn ảnh hưởng, tác động, lan tỏa mạnh mẽ tới đời sống đồng bào DTTS trong tiếp cận chủ trương, đường lối, chính sách và sự tham gia của cộng đồng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ở các buôn, làng vùng rừng núi Trường Sơn, có các già làng - những người được biết đến với câu nói phổ biến: “Già làng nói, dân làng nghe; Già làng hô – dân làng hưởng ứng; Già làng làm – dân làng làm theo”; ở vùng trung du và miền núi phía Bắc có các trưởng thôn, trưởng bản; đối với các dân tộc Dao, Mường, Thái… NCUT có khi chính là các thầy mo, thầy cúng; ở khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long là các vị sư sãi thuộc phật giáo Nam Tông; với người dân tộc Chăm, các chức sắc tôn giáo thuộc đạo Hồi và đạo Bà-la-môn có vai trò cực kỳ quan trọng… Đây là những con người mà tiếng nói, việc làm của họ có tác động không nhỏ tới đồng bào DTTS tại địa phương.

Những năm qua, việc chăm lo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với NCUT được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, đã có 3 lần chính sách dành cho NCUT được sửa đổi, bổ sung. Với những đóng góp của mình, NCUT đã và đang ngày càng cho thấy, họ chính là một lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào DTTS.

Tạo điều kiện tốt hơn cho người có uy tín

Với đại đa số đồng bào DTTS, “Tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”. Tại các bản làng xa xôi, khó khăn, đến nay, người am hiểu phong tục tập quán của dân tộc, tình hình địa phương, gương mẫu đi đầu, sẵn sàng “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, nắm tay từng người” để đồng bào hiểu, đồng bào tin - không ai khác, chính là những NCUT.

Chính vì vậy, trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đến từ Mặt trận tổ quốc, UBDT, Ban Dân tộc các tỉnh đều thống nhất cho rằng: Cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể đối với NCUT, như: Cơ chế quản lý, chính sách chăm lo, thăm hỏi, động viên, khen thưởng… để NCUT yên tâm công tác. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc huy động và phát huy vai trò NCUT trong cộng đồng.

Cụ thể hơn, đại diện Mặt trận tổ quốc tỉnh Hòa Bình đề xuất: Cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp tài liệu để NCUT có điều kiện tuyên truyền, vận động đồng bào; cần tạo điều kiện để NCUT đi thăm quan, học hỏi các mô hình hay. Qua đó, NCUT sẽ có sự quan sát, so sánh, rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động tại địa phương.

Với trường hợp NCUT nhất thời có việc làm chưa tích cực, có lời nói, việc làm trái với quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho rằng: Việc xử lý cần cân nhắc thận trọng, đúng pháp luật, phù hợp với phong tục tập quán và tranh thủ sự đồng tình của đồng bào địa phương – nơi người đó có ảnh hưởng. Tuyệt đối không xảy ra sơ hở để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống đối.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-va-phat-huy-vai-tro-cau-noi-cua-nguoi-co-uy-tin-122497.html