Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Sẽ có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD).

Cũng từ thời điểm này, khu vực doanh nghiệp sẽ đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Đặc biệt, sẽ có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô - la Mỹ thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn…

Những mục tiêu đầy tham vọng này được liệt kê trong Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được ký ban hành kèm theo Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ vào cuối tuần trước (ngày 9/5/2024).

Đúng trong ngày này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW.

Nhiều mục tiêu cũng đã được đưa ra, như đến năm 2030 hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, hàng đầu quốc gia, có năng lực kinh doanh ngang tầm quốc tế, tiêu biểu về đạo đức, văn hóa kinh doanh; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 200.000 lượt doanh nhân, doanh nghiệp; bồi dưỡng ít nhất 500 lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp lớn và 5.000 doanh nhân lãnh đạo kế cận…

Toàn bộ nội dung 2 chương trình hành động này đã được chuyển tải tới hơn 200.000 cán bộ, đảng viên chỉ sau 1 ngày được ban hành, thông qua trên 4.300 điểm cầu của Hội nghị Quán triệt và Triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW. Ngoài các điểm cầu ở Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhiều địa phương đã tổ chức các điểm cầu quán triệt Nghị quyết đến tận cấp huyện, xã. VCCI cũng tổ chức nhiều điểm cầu đến các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước để quán triệt Nghị quyết 41-NQ/TW.

Có thể nói, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc với tinh thần cao nhất để đưa Nghị quyết 41-NQ/TW vào cuộc sống. Cũng có nghĩa, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ lên chi tiết với hàng loạt gạch đầu dòng phân nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp đã đến được tới từng đơn vị, tổ chức và nhân sự thực hiện. Chính phủ cũng yêu cầu trước ngày 1/7/2024, các kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 66 của các bộ, ngành, địa phương phải được ban hành…

Tuy nhiên, thực hiện đầy đủ, trách nhiệm các chương trình hành động này đang là thách thức không nhỏ.

Nhìn lại việc triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - nghị quyết đầu tiên của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, bên cạnh những việc làm được, như nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân, đẩy mạnh thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh… thì vẫn còn nhiều việc chưa như mong đợi.

Tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra tới 8 điểm còn hạn chế, như sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa đạt yêu cầu; có ít doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt; văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nhân chưa cao; một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, môi trường kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu…

Tại Hội nghị Quán triệt và Triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, tình trạng nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân chưa đầy đủ, sâu sắc tiếp tục được đặt ra khi đây được xác định là nguyên nhân của các hạn chế trên. Ngay cả những khó khăn trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo dựng thể chế thuận lợi cho phát triển kinh tế cũng được xác định là có một phần nguyên nhân từ nhận thức.

Tất nhiên, nguyên nhân từ khu vực doanh nghiệp, doanh nhân cũng không nhỏ, nhất là khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của thời kỳ mới; ý thức về đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật của không ít doanh nhân chưa đầy đủ…

Có thể thấy, việc Chính phủ đưa lên hàng đầu 2 nhóm nhiệm vụ là “nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước” và “hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến” đang thể hiện quyết tâm rất cao trong nỗ lực và trách nhiệm thực thi các mục tiêu tham vọng.

Đáng nói là, trên nền tảng này, việc thực hiện các mục tiêu không kém tham vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW sẽ có thêm động lực.

Bảo Duy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xay-dung-va-phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-doanh-nhan-viet-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-d214906.html