Xây dựng và phát triển chợ kinh doanh thực phẩm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 388 chợ có khu vực kinh doanh thực phẩm. Thực hiện lộ trình nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các chợ kinh doanh thực phẩm, phấn đấu đến năm 2025 có 100% chợ kinh doanh thực phẩm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đáp ứng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, ngành công thương đã và đang cùng chính quyền các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng và phát triển chợ kinh doanh thực phẩm.

Chợ Đỏ, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.

Theo đó, ngành công thương cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, bám sát công tác thực hiện các chỉ tiêu về chợ kinh doanh thực phẩm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các cấp, các ngành, đông đảo người dân và các đơn vị quản lý chợ về tầm quan trọng của việc xây dựng, duy trì chợ kinh doanh thực phẩm đối với quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe của Nhân dân. Các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành rà soát, lên kế hoạch xây dựng và phát triển chợ kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, triển khai các hoạt động ra quân xóa bỏ các chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, các đơn vị đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, thay đổi thói quen mua, bán hàng hóa tại các tụ điểm kinh doanh, buôn bán tự phát. Chú trọng làm tốt công tác cấp giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thực phẩm sản xuất tại địa phương và công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông, kinh doanh trong chợ. Bên cạnh đó, các địa phương còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Thông qua tập trung thực hiện các giải pháp, chỉ tính riêng 11 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, phát triển thêm 14 chợ đạt tiêu chuẩn kinh doanh thực phẩm. Trong đó có 1 chợ đạt chợ kinh doanh thực phẩm hạng 1 do Sở Công Thương triển khai thực hiện, 14 chợ đạt kinh doanh thực phẩm do UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng. Lũy kế từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 348/388 chợ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, đạt 90%. Trong đó có 250 chợ hoàn thành công bố hợp chuẩn cho kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 và 98 chợ được công nhận chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm.

Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã có quyết tâm cao, quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm, hoàn thành 100% chỉ tiêu xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm, như: TP Thanh Hóa, các huyện: Đông Sơn, Hoằng Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa.

Cùng với việc xây dựng và phát triển chợ kinh doanh thực phẩm, công tác duy trì các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm đã được đa số UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện, phần lớn các chợ đã đạt chợ kinh doanh thực phẩm đảm bảo về kết cấu hạ tầng chợ, trang bị dụng cụ bày bán thực phẩm phù hợp theo quy định, thành lập tổ chức quản lý giám sát an toàn thực phẩm tại chợ và thực hiện các quy định đối với con người. Nhiều chợ đã thực hiện tốt công tác duy trì các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm như: chợ Tân An - Tân Bình (TP Thanh Hóa); chợ Cột Đỏ (TP Sầm Sơn); chợ thị trấn Quảng Xương (Quảng Xương); chợ thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn); chợ Hoằng Đức (Hoằng Hóa); chợ Mục Sơn (Thọ Xuân); chợ thị trấn Cành Nàng (Bá Thước)...

Để tiếp tục xây dựng và phát triển chợ kinh doanh thực phẩm, ngành công thương đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện các nội dung: xây dựng, hoàn thiện, duy trì các chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có kinh doanh thực phẩm đáp ứng các yêu cầu theo quy định về chợ kinh doanh thực phẩm. Các địa phương sẽ chú trọng nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, ý thức, trách nhiệm của các đơn vị quản lý, khai thác chợ trong việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại, thu hút đầu tư xây dựng chợ bằng nguồn vốn xã hội hóa gắn với việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xay-dung-va-phat-trien-cho-kinh-doanh-thuc-pham/175378.htm