Xây dựng văn hóa: Điểm cốt lõi sống còn của mỗi doanh nghiệp

Làm việc ở trong môi trường điện cao áp đòi hỏi phải chấp hành nghiêm quy trình, quy phạm an toàn.

Xây dựng văn hóa, điểm cốt lõi sống còn của mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Xây dựng văn hóa, điểm cốt lõi sống còn của mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp được xem như linh hồn của doanh nghiệp đó. Mỗi doanh nghiệp có các quy mô, ngành nghề, năng lực nội tại khác nhau nên việc xây dựng các giá trị cốt lõi cũng khác nhau. Để tuyên truyền và làm rõ thêm về những giá trị cốt lõi văn hóa của mình, ngày 25/10, tại trụ sở Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Tổng công ty đã tổ chức Hội thảo về các giá trị cốt lõi của văn hóa EVNNPT.

Theo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, bản sắc văn hóa của đơn vị này được thể hiện qua 5 giá trị cốt lõi: Tuân thủ, tôn trọng, tận tâm, tin tưởng, trách nhiệm. Để tuyên truyền và tập huấn cho người lao động, EVNNPT đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tuyên truyền sâu rộng về văn hóa doanh nghiệp tới các đơn vị theo đúng thủ tục, quy định của EVNNPT.

Ông Võ Đình Thủy Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 cho hay, với công ty, giá trị tuân thủ được xem là giá trị đầu tiên và rất quan trọng, bởi lẽ làm việc ở trong môi trường điện cao áp đòi hỏi phải chấp hành nghiêm quy trình, quy phạm an toàn.

Bên cạnh đó, lĩnh vực truyền tải điện là ngành kỹ thuật cao, yêu cầu quy trình công nghệ nghiêm ngặt, đồng bộ, thống nhất. Chỉ cần 1 sai sót nhỏ do không tuân thủ theo các quy định thì cũng sẽ có thể gây ra mất an toàn lao động, ảnh hưởng tới việc cung ứng điện trên đường dây.

Tuy nhiên, ông Thủy cũng cho rằng, tuân thủ mà thiếu đi các giá trị cốt lõi khác trong bộ 5 giá trị thì tính tuân thủ đó cũng trở thành thụ động, máy móc và đối phó. Ngược lại, thực thi các giá trị khác mà thiếu đi tính tuân thủ thì sẽ dẫn đến những sai trái.

“Thời gian tới đây, Công ty sẽ tiếp tục triển khai đào tạo kỹ năng, kiểm tra việc thực thi tính “tuân thủ” tại các đơn vị trực tếp. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, đào tạo và nâng cao vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, nêu gương thực thi văn hóa EVNNPT, ông Thủy nói.

Làm việc ở trong môi trường điện cao áp đòi hỏi phải chấp hành nghiêm quy trình, quy phạm an toàn. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo ông Lê Hồng Duật, Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải Điện 3 (PTC3), với công ty, ngoài tuân thủ thì giá trị tôn trọng cũng là một giá trị cốt lõi rất có ý nghĩa. “Tôn trọng ở đây là tô trọng sự điều hành, chỉ đạo và các ý kiến của cấp trên, tôn trọng các đối tác và các cơ quan liên quan, tôn trọng đồng nghiệp, người lao động…

Có như vậy, mỗi cán bộ, người lao động mới thấy được phần quan trọng của mình, tích cực lắng nghe ý kiến và đóng góp ý kiến. Từ đó, người lao động sẽ có trách nhiệm hơn, tận tâm vượt khó trong mọi nhiệm vụ. Đồng thời chủ động trong công việc, sáng tạo, đóng góp kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất”.

Ngoài ra, với đặc thù ngành truyền tải điện thường ở các vùng sâu, xa, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ý nghĩa của giá trị “tôn trọng” lại càng cần được đề cao: tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán, đặc trưng vùng miền, ông Duật cho biết thêm.

Chia sẻ thêm về giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, ông Phan Hồng Phương, Phó Chánh văn phòng PTC2 cho hay, ở PTC2, với giá trị văn hóa “Trách nhiệm”, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm của người lao động, không quản ngại khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Trách nhiệm trước hết là với bản thân: học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ năng lực, chủ động tiếp thu công nghệ, lao động sáng tạo. Có trách nhiệm với bản thân thì trong lao động mới đảm bảo được tính an toàn, hiệu quả công việc. Ngoài ra, trách nhiệm với công việc, ở đó, người lao động sẽ đảm bảo cho hệ thống truyền tải điện vận hành an toàn, liên tục và ổn định…

Theo báo cáo của EVNNPT, đơn vị đã ban hành tài liệu văn hóa EVNNPT, đến nay, 100% cán bộ, người lao động được phổ biến tài liệu này, đồng thời tổ chức các kỳ thi, kiểm tra trắc nghiệm người lao động về giá trị cốt lõi văn hóa Tổng công ty.

Công đoàn EVNNPT cũng tích cực trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến văn hóa EVNNPT; phối hợp với chuyên môn tổ chức phát động Cuộc thi “Bản sắc văn hóa EVNNPT” vào tháng 8/2018; dự kiến tổng kết và trao giải vào 7/2020 nhân kỷ niệm 12 năm thành lập Tổng công ty.

Bên cạnh đó, EVNNPT đã đăng tải nhiều bài viết và hình ảnh về văn hóa EVNNPT lên website nhằm thay đổi thói quen ứng xử, giao tiếp của cán bộ nhân viên theo chuẩn mực ứng xử văn hóa của EVNNPT, đến nay, đã có gần 400 tin bài, video clip đăng tải.

Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho hay, trong tất cả các giá trị cốt lõi văn hóa của EVNNPT, các giá trị về tuân thủ, trách nhiệm, tôn trọng, tin tưởng, tận tâm đều có những đặc tính rất quan trọng. Tuy nhiên, không có giá trị nào ở đây là quan trọng nhất, các giá trị đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng với nhau tạo nên bộ giá trị, bản sắc văn hóa riêng biệt và then chốt của EVNNPT.

Để văn hóa EVNNPT thực sự “sống” trong lòng mỗi cán bộ nhân viên, EVNNPT sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để đưa tài liệu văn hóa đơn vị áp dụng vào việc quản trị, hệ thống quy chế quản lý nội bộ công ty.

Cụ thể, Ban lãnh đạo Tổng công ty cho hay, sẽ chia nhỏ mục tiêu theo từng năm và xây dựng chương trình hành động để đạt mục tiêu; đẩy mạnh việc áp dụng văn hóa EVNNPT thông qua việc cụ thể hóa thành các chính sách, quy chế quản lý, truyền thông tạo nhận thức nảy sinh sự tin tưởng và hành động theo văn hóa EVNNPT…/.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xay-du-ng-van-ho-a-die-m-co-t-lo-i-so-ng-co-n-cu-a-mo-i-doanh-nghie-p/138227.html