Xây dựng văn hóa liêm chính để đẩy lùi triệt để tham nhũng, tiêu cực

Theo ông Nguyễn Túc, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ liêm chính, không dám, không muốn, không thể tham nhũng thì mới có thể đẩy lùi triệt để được tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng văn hóa liêm chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Văn hóa liêm chính là nền tảng để xây dựng ý thức và thực hành liêm chính của cán bộ, đảng viên trong Đảng và hệ thống chính trị.

Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

- Văn hóa liêm chính được hiểu như thế nào và đã thể hiện ra sao trong lịch sử dân tộc, thưa ông?

Ông cha ta từ ngàn xưa đã dạy rằng, những người làm quan thì phẩm chất cao quý nhất chính là thanh liêm. Bác Hồ cũng dạy cán bộ phải "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Chữ "liêm" ở đây nghĩa là giữ làm sao để cho mình trong sạch, thực hiện đúng quy định của nhà nước, của pháp luật, là một người công minh, chính trực.

Văn hóa liêm chính đã có từ rất lâu trong lịch sử dân tộc. Có thể khẳng định, ở thời kỳ nào trong lịch sử chúng ta cũng đều có những vị quan thanh liêm, liêm khiết, những vị quan đó luôn được người dân yêu mến, kính phục, có những người được thờ phụng muôn đời.

Có thể kể đến như cụ Chu Văn An, cụ Nguyễn Trãi… Cụ Chu Văn An khi thấy tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu trong triều đình quá nhiều đã đề nghị nhà Vua xử phạt chém đầu những quan nịnh thần, Vua không chấp nhận nên cụ đã từ quan về quê dạy học.

Thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tuyệt đại đa số cán bộ các cấp đều giữ được thanh liêm, liêm chính cho mình. Cán bộ, công chức nói chung và những người cộng sản nói riêng thời bấy giờ, thường có khẩu hiệu là "khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", "đảng viên đi trước, làng nước đi sau".

Liêm chính của người cộng sản, những người yêu nước lúc bấy giờ được thể hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể như thế, cái gì khó khăn, vất vả thì những người cán bộ, đảng viên phải thực hiện cho được, từ đấy để có sự tín nhiệm của người dân, để người dân tin và đi theo, góp phần vào sự thành công của cách mạng.

Trong đó, có những người rất đặc biệt có thể kể đến như ông Phan Kế Toại, từng là Khâm sai đại thần Bắc Bộ nhưng sau này ông đã đi theo cách mạng, đóng góp rất lớn cho cách mạng, trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ. Sở dĩ có được như vậy chính là vì ông là một con người liêm chính, làm quan thời nào, ở đâu cũng được người dân tin yêu, ủng hộ.

Sau này đến các vị lãnh đạo như đồng chí Phan Văn Khải, Võ Văn Kiệt…hay các đồng chí lãnh đạo ở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều là những minh chứng rất rõ rệt cho văn hóa liêm chính.

- Thế còn ngày nay, văn hóa liêm chính được thể hiện như thế nào? Có ý kiến cho rằng văn hóa liêm chính đang dần bị phai mờ, thưa ông?

Hiện nay, khi chúng ta phát triển kinh tế nhiều thành phần, cơ chế thị trường thì có thể nói đồng tiền làm cho nhiều người tối mắt, càng ngày sự liêm chính càng bị đồng tiền làm cho phai mờ và biểu hiện rõ nhất chính là nạn tham nhũng, tiêu cực từ thời kỳ đổi mới đến nay có chiều hướng ra tăng hơn.

Đại hội lần thứ VI của Đảng khi bắt đầu đổi mới đã đề cập đến việc phát triển kinh tế nhiều thành phần thì sẽ xuất hiện bệnh tham nhũng, tiêu cực. Do vậy Đảng đã phải đưa định hướng phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa để ngăn chặn, hạn chế tiêu cực của phát triển kinh tế nhiều thành phần.

Nếu không phát triển kinh tế nhiều thành phần thì không thể thoát khỏi đói nghèo, nhưng muốn phát triển kinh tế nhiều thành phần mà vẫn giữ được những cái tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội thì buộc phải có định hướng xã hội chủ nghĩa để hạn chế những mặt tiêu cực. Nhưng thực tế cho thấy điều này cực kỳ khó khăn.

Đại hội VII đã nêu trong báo cáo chính trị rằng "một số đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất", đến Đại hội VIII đã không còn "một số" nữa mà đã trở thành "một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất" và đến Đại hội IX đã không còn "một bộ phận nữa" mà đã trở thành "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên" thoái hóa, biến chất, và quan điểm này vẫn được giữ ở Đại hội sau đó.

Chính vì vậy, từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và trực tiếp làm Trưởng ban. Có thể nói, Tổng Bí thư đã rất thấm thía từ thực tiễn công việc để chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính.

Tôi rất tâm đắc cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, trong đó đã nêu ra vấn đề phải xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính. Tổng Bí thư đã lấy những vấn đề vướng mắc nhất để đưa ra chỉ đạo, làm có trọng tâm, trọng điểm và đến nay đã có được kết quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30/6/2022.

- Văn hóa liêm chính không chỉ cần có ở những cán bộ cấp cao mà còn là ở tất cả cán bộ ở bất kỳ cấp nào, thưa ông?

Đã là cán bộ, dù ở bất cứ cấp nào phải có tự trọng cao, có phẩm chất đạo đức. Đội ngũ cán bộ đó phải thực hiện cho được thái đội phục vụ nhân dân liêm chính, trung thực, khách quan, công tâm, thực sự lo cho người dân.

Văn hóa liêm chính có thể được biểu hiện từ những công việc hàng ngày, những việc nhỏ nhất của mỗi cán bộ, đảng viên.

Chúng ta thấy được rằng ngay trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, vai trò của những người cán bộ cấp cơ sở càng được thể hiện rõ rệt. Bên cạnh đội ngũ cán bộ y tế, công an, quân đội thì những cán bộ cấp cơ sở chính là những người sát nhất lo cho nhân dân. Những cán bộ vì người dân, lo cho dân thì đều nhận được sự yêu mến, cảm phục của người dân, còn những người vô cảm, gây phiền nhiễu cho người dân chắc chắn sẽ không được người dân ủng hộ và đã bị kỷ luật.

- Vậy theo ông, làm thế nào để xây dựng văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ ngày nay?

Theo tôi việc quan trọng nhất là phải ở tự bản thân mỗi con người, và để bản thân con người tự ý thức được thì vấn đề cốt lõi lại nằm ở giáo dục. Việc giáo dục này phải có từ trong gia đình và đồng thời kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Trước đây, chúng ta đã từng làm rất tốt việc này, một thời kỳ những cán bộ rất được chú trọng đào tạo, giáo dục truyền thống. Kết quả là có những thế hệ cán bộ dù làm đến các vị trí lãnh đạo rất cao nhưng với nền tảng giáo dục truyền thống nên vẫn luôn giữ được phẩm chất giản dị, gần gũi, thanh liêm của mình.

Một vấn đề phải làm tốt nữa đó công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc này sẽ giúp kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng để ngăn chặn, xử lý.

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì tham những, tiêu cực chính là "khuyết tật" của cơ quan quyền lực mà ở đất nước nào, thời nào cũng có.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng, tiêu cực đã được ngăn chặn và đẩy lùi được một bước, nhưng nó vẫn là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Do đó, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ liêm chính, không dám, không muốn, không thể tham nhũng thì mới có thể đẩy lùi triệt để được tham nhũng, tiêu cực.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Trường (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/xay-dung-van-hoa-liem-chinh-de-day-lui-triet-de-tham-nhung-tieu-cuc-20230324112915982.htm