Xây dựng văn hóa uống rượu bia không lái xe

Để khẩu hiệu 'đã uống rượu bia không lái xe' không chỉ còn là khẩu hiểu, mà trở thành một nét văn minh trong văn hóa giao lưu, gặp gỡ của người dân. Năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng CSGT toàn quốc và CSGT thủ đô nói riêng quyết tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền bên cạnh việc xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm.

19h30 phút ngày 13/9/2023 xe ô tô do Lê Văn Thọ, trú tại phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa điều khiển đã tông vào một phụ nữ điều khiển xe đạp điện đi cùng chiều. Cú tông khiến người phụ nữ tử vong. Nhưng tài xế Thọ không dừng lại mà tiếp tục kéo lê xe điện bỏ chạy. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn Lê Văn Thọ vi phạm với mức là 1,089mg/1 lít khí thở.

16 giờ 35 phút ngày 12/11/2023, tại TPHCM Phạm Cao Trí, 39 tuổi điều khiển xe ô tô trong tình trạng say xỉn, sau đó tông 2 ô tô và 3 xe máy khiến cô gái trẻ tử vong. Công an xác định Phạm Cao Trí có nồng độ cồn vi phạm ở mức 188,8mg/1 lít khí thở, vượt mức kịch trần.

Tại Hà Tĩnh, rạng sáng ngày 14/1/2024, một nữ tài xế 23 tuổi đã sử dụng rượu bia sau bữa tiệc sinh nhật, tông tử vong một người đang dừng xe bên đường. Nữ tài xế này có nồng độ cồn là 0,385mg/lít khí thở.

Mới đây nhất, tài xế Phạm Ngọc Sơn với mức cồn trong cơ thể là 0,083 mg/I khí thở đã có hành vi chống đối và tông xe vào lực lượng làm nhiệm vụ khiến 1 chiến sỹ CSGT công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị chấn thương sọ não. Và cuối cùng chỉ còn lại là những giọt nước mắt hối hận tại trụ sở công an.

Từ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng nêu trên, chế tài pháp luật đang ngày càng nghiêm khắc hơn với hành vi lái xe sau khi đã sửa dụng rượu bia, điển hình như nghị định 100 năm 2019 của Chính Phủ thế nhưng thực tế cho thấy tình trạng vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra.

Năm 2023, một lần nữa vi phạm nồng độ cồn được đề cập trong dự thảo luật GTĐB với đề xuất "Cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn". Rất nhiều người dân đồng tình với đề xuất này vì cho rằng nó sẽ góp phần kéo giảm TNGT đặc biệt là những vụ TNGT nghiêm trọng. Điều đó cho thấy, văn hóa không lái xe sau khi uống rượu bia đã phần nào hình thành trong cộng đồng.

Để duy trì đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, trong năm 2024, BCA chỉ đạo các lực lượng tiếp tục phối hợp, tăng cường kiểm tra kiểm soát xử lý vi phạm, đặc biệt tập trung vào các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, ma túy,…

Mặc dù lực lượng CSGT thường xuyên lập chốt xử lý. Tuy nhiên, để thực sự đạt dược hiệu quả trong thực tiễn, cần nhất là ý thức tự giác của người dân. Việc chấp hành "đã uống rượu bia - không lái xe" không phải vì sự có mặt của lực lượng CSGT trên mỗi cung đường mà vì chính sự an toàn của mỗi người.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xay-dung-van-hoa-uong-ruou-bia-khong-lai-xe-220711.htm