Xây dựng 'Vũ trụ điện ảnh': Cũ người mới ta

'Vũ trụ điện ảnh' là khái niệm rất quen thuộc của Hollywood. Nhưng ở điện ảnh Việt, công thức làm phim này mới bắt đầu manh nha vài năm trở lại đây. Cũ người mới ta nên các bộ phim Việt được làm theo kiểu 'vũ trụ điện ảnh' nhanh chóng khiến khán giả chú ý và thích thú.

Theo giới chuyên môn, "vũ trụ điện ảnh" là chuỗi các bộ phim có cốt truyện độc lập nhưng có thể loại, chủ đề, nhân vật hay tình tiết liên quan, kết nối đến nhau. Nhắc đến "vũ trụ điện ảnh", người yêu phim sẽ nhớ ngay đến điện ảnh Mỹ. Các hãng Marvel, Walt Disney, DC, Stars War… đều kiến tạo nên những "vũ trụ điện ảnh" mang thương hiệu riêng mình. Marvel có "vũ trụ siêu anh hùng" gồm loạt bom tấn như "Người sắt", "Captain America", "Người Kiến", "Người nhện", "Thor"… Vũ trụ DC có "Người dơi", "Superman", "Shazam", "Joker" … Disney thì gây dựng "vũ trụ cổ tích" gồm cả phim hoạt hình lẫn phim người thật đóng: "Nàng tiên cá", "Lọ Lem", "Mộc Lan"… Hãng "MonsterVerse" nổi tiếng với chuỗi phim về các sinh vật hay quái thú khổng lồ như Godzilla, King Kong…

"Gái già lắm chiêu" được coi là chuỗi phim đầu tiên mở ra khái niệm "vũ trụ điện ảnh" ở Việt Nam.

Học hỏi thế giới, giới làm phim Việt Nam cũng tập tành xây dựng "vũ trụ điện ảnh" cho riêng mình. Lúc đầu, công chúng vẫn quen thuộc với định dạng phim nhiều phần. Thành công với "Lật mặt 1", Lý Hải tiếp tục triển khai "Lật mặt 2", "Lật mặt 3" và đến nay đã lên tới năm phần. Sáu năm qua, "Gái già lắm chiêu" của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito cũng gây ấn tượng khi cả 4 phần đều đạt doanh thu cao và hiệu ứng truyền thông tốt. Từ những chuỗi phim phần tiếp theo thành công này, nhà sản xuất lẫn đạo diễn quyết định theo đuổi và xây dựng cho mình một "vũ trụ điện ảnh" để khẳng định thương hiệu riêng. Kiểu hài - hành động gắn với thương hiệu của Lý Hải.

Bảo Nhân và Nam Cito thì triển khai "vũ trụ mỹ nhân" với những dự án xoay quanh cuộc sống hào nhoáng, vương giả của những cô gái thành thị trên 30 tuổi. Sắp tới, ngoài việc bắt tay hoàn thành tiếp phần sáu của "Gái già lắm chiêu - Cô gái từ quá khứ" thì bộ đôi đạo diễn còn triển khai dự án "Tứ đại mỹ nhân" gồm sáu mùa, mỗi mùa gồm nhiều tập. Dự án có sự tham gia của dàn diễn viên xinh đẹp, tài năng như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Jun Vũ, Phương Anh Đào…

Không gắn với kiểu phim nhiều phần như Lý Hải hay Bảo Nhân - Nam Cito, Ngô Thanh Vân lại bắt đầu "vũ trụ điện ảnh" của mình bằng các phim đơn lẻ nhưng khai thác cùng một chủ đề, thể loại. "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" là viên gạch đầu tiên cho tham vọng xây dựng "vũ trụ cổ tích Việt Nam" của nhà sản xuất họ Ngô. Để khẳng định tham vọng này, năm 2021, cô tiếp tục trình làng "Trạng Tí phiêu lưu ký". Với kho tàng cổ tích vô tận của cha ông, Ngô Thanh Vân tự tin hãng phim của mình sẽ trở thành phiên bản Walt Disney ở Việt Nam. Trong tương lai, ekip sẽ triển khai loạt dự án đậm màu sắc dân gian như "Thạch Sanh", "Thằng Bờm", "Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Thánh Gióng"…

Cũng giống cách làm của Ngô Thanh Vân nhưng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lại chọn đề tài lịch sử phong kiến cho "vũ trụ điện ảnh cổ phong". Anh bỏ nhiều tâm sức để làm nên series "Phượng Khấu" (khai thác cuộc đời Thái hậu Từ Dụ triều Nguyễn). Mới đây, dự án "Huyết rồng" khởi động và mang lại nhiều kỳ vọng cho khán giả khi ekip của anh sẽ đưa lên màn bạc cuộc đời ông vua lắm tai tiếng Lê Long Đĩnh. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tâm sự, để trở thành một đạo diễn cổ phong đúng nghĩa, trong tương lai, anh sẽ kết hợp với nhiều đạo diễn khác để làm nên loạt phim về cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nguyên phi Ỷ Lan…

Ở mảng phim kinh dị, đạo diễn Trần Hữu Tấn ôm mộng tạo nên "vũ trụ phim kinh dị - tâm lý" sau cuộc mở màn phòng vé giòn giã của "Chuyện ma gần nhà" đầu năm 2022. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid, "Rừng thế mạng" đã có chuyến xuất hành không mấy thành công. Nhưng ít nhiều, hai tác phẩm này đã định danh đạo diễn Trần Hữu Tấn với dòng phim kinh dị. Trong hành trình tạo nên "vũ trụ điện ảnh" mang tên mình, anh cho hay sẽ chú tâm khai thác những câu chuyện ma quỷ được lưu truyền, đồn thổi trong đời sống dân gian, nhất là ở các đô thị hiện đại.

So sánh với điện ảnh thế giới có thể nhận thấy con đường hình thành "vũ trụ điện ảnh" của Việt Nam vẫn còn ở bước sơ khai. Chia sẻ trong một talkshow về điện ảnh tại TP Hồ Chí Minh, đạo diễn Bảo Nhân thừa nhận loạt phim "gái già" và dự án mỹ nhân kế tiếp vẫn chỉ là một "tiểu vũ trụ". Theo anh, nhiều phim Việt khác được giới trong nghề hay công chúng gọi là "vũ trụ điện ảnh" cũng chỉ mang tính chất ưu ái, khích lệ là chính. "Chưa có một dự án nào ở Việt Nam đủ sức tạo thành vũ trụ điện ảnh. Nó phải có sức ảnh hưởng. Các dự án điện ảnh Việt Nam mới chỉ có sức ảnh hưởng trong giới điện ảnh chứ chưa ra toàn xã hội" - đạo diễn Bảo Nhân đánh giá.

Nghệ sĩ Ngô Thanh Vân ôm mộng xây dựng "vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam" khi trình làng phim "Trạng Tí phiêu lưu ký".

Thực tế, để làm nên một "vũ trụ điện ảnh" đúng nghĩa là điều không hề dễ dàng. Không phải anh chỉ việc làm ra phim nhiều phần hoặc có nội dung, chủ đề liên quan đến nhau là ra "vũ trụ điện ảnh". Công thức làm phim này đòi hỏi nhà sản xuất phải tạo ra một quần thể nhân vật hùng hậu, có kết nối mật thiết đến nhau. Bên cạnh đó, chuỗi phim phải có sự định hướng và quyết tâm theo đuổi bền bỉ một chủ đề xuyên suốt, tạo tính kết nối trong từng câu chuyện. Tất cả đòi hỏi mức đầu tư "khủng" và dài hơi cho kịch bản, dàn nhân vật lẫn chi phí làm phim. Việc khai thác đi khai thác lại một chủ đề dễ khiến khán giả nhàm chán. Do đó, ngoài việc duy trì tính kết nối, các bộ phim sau phải có nhiều bứt phá hơn tác phẩm trước cả về nội dung lẫn hình thức.

Để duy trì sức hút của "Gái già lắm chiêu", đạo diễn Nam Cito cho hay: "Thị hiếu khán giả thay đổi liên tục nên chúng tôi cũng phải liên tục cập nhật xu hướng để đổi mới câu chuyện lẫn nhân vật. Khi triển khai nội dung, chúng tôi cố gắng bắt kịp hoặc đón đầu một số xu hướng hiện đại của những cô gái thành đạt, độc lập tài chính, tự chủ trong tình yêu, dám yêu người ít tuổi và thoải mái tận hưởng cuộc sống sang chảnh. Dù bám vào chủ đề nữ quyền nhưng mỗi phần phim là một câu chuyện mới với bối cảnh xa hoa, lộng lẫy hơn trước. Nội dung cũng gay cấn hơn, từ chuyện săn "phi công trẻ" trong phần 1 và phần 2 thì đến phần 3 là câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu giới siêu giàu. Phần 5 là cuộc đời đầy hỉ nộ ái ố và sóng ngầm của những người phụ nữ vương giả. Mức đầu tư cho phần sau luôn đội hơn phần trước rất nhiều".

Rõ ràng, việc xây dựng "vũ trụ điện ảnh" mang thương hiệu Việt không phải là trào lưu nhất thời hay một kiểu gọi cho thời thượng. Bởi ngoài việc khích lệ, động viên nhau, khái niệm này còn cho thấy chiến lược lâu dài, hướng tới chuyên nghiệp hóa của điện ảnh Việt, quyết tâm phát triển thương hiệu riêng.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn phân tích: "Theo tôi, đây là tín hiệu rất tích cực vì các phim thuộc "vũ trụ điện ảnh" sẽ có tính hệ thống, liên kết chặt chẽ với nhau về kịch bản, nhân vật, chủ đề... Mỗi "vũ trụ" sẽ mang một màu sắc, dấu ấn riêng để chinh phục khán giả, giúp họ dễ nhận diện mỗi khi phim ra rạp. Phim có sẵn thương hiệu thì rất dễ quảng bá. Nếu thành công ở tác phẩm đầu tiên, chắc chắn các tác phẩm tiếp theo sẽ được công chúng nóng lòng chờ đón".

Việc xây dựng "vũ trụ điện ảnh" không bó hẹp trong nội dung, chủ đề mà còn vươn ra khâu phát hành, truyền thông. Nam Cito cho biết, anh đang tích cực học hỏi Hollywood bởi các "vũ trụ điện ảnh" của họ đều có khâu làm phim lẫn khâu tiếp thị, phát hành rất bài bản, hình thành nên hệ sinh thái rất chuyên nghiệp.

"Để tạo nên phim có thương hiệu thì bên cạnh khâu kịch bản, tuyển chọn diễn viên thì việc tiếp thị, quảng bá cũng kéo dài nhiều năm chứ không chỉ gói gọn trong một vài tháng như phim đơn lẻ. Tôi tin nếu có chiến lược xây dựng đường dài, thống nhất chủ đề và đặc biệt là xây dựng được một quần thể nhân vật thành công, sẽ còn nhiều "vũ trụ điện ảnh" khác được tạo ra và được khán giả đón nhận. Từ đó, điện ảnh Việt đủ sức xây dựng nên những thương hiệu điện ảnh lớn, chinh phục khán giả trong nước và xa hơn là vươn ra thế giới" - anh nhận định.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/xay-dung-vu-tru-dien-anh-cu-nguoi-moi-ta-i646426/