Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị về tình hình chăn nuôi và kế hoạch triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, tại thời điểm cuối tháng 12-2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 27,3 triệu con, tương đương 88,7% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Dự kiến đến cuối quý I-2021, công tác tái đàn đạt 5,5 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 73,6% so với thời điểm chưa có bệnh DTLCP.

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, bệnh DTLCP chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp, số lợn phải tiêu hủy khoảng 2.000 con; chăn nuôi gia cầm, trâu, bò phát triển ổn định...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Trong năm 2021, chăn nuôi được coi là dư địa lớn nhất, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị ngành nông nghiệp”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Trong năm 2021, chăn nuôi được coi là dư địa lớn nhất, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị ngành nông nghiệp”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), đàn gia cầm của cả nước tháng 01- 2021 tăng khoảng 6,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong năm 2021, dự kiến tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt khoảng 5-6%; sản lượng thịt các loại đạt 5,7 triệu tấn. Trong đó, thịt lợn đạt 3,67 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2020; thịt gia cầm đạt 1,5 triệu tấn, tăng 5,8%; thịt bò đạt 395.000 tấn, tăng 6%.

Theo Cục Thú y, cùng với các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng được tăng cường kiểm soát, khống chế tốt như: Cúm gia cầm; Lở mồm long móng; Tai xanh; Tụ huyết trùng, Phó thương hàn… nhất là DTLCP. Trong 2 tháng đầu năm 2021, dịch dịch tả lợn châu Phi chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp, số lợn phải tiêu hủy khoảng 2.000 con.

Tuy nhiên, trong 2-3 năm vừa qua, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn sinh học còn chiếm tỷ cao; đặc biệt là việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm gia tăng rất mạnh do nhu cầu thực phẩm trong giai đoạn Tết và một số lễ hội đầu xuân… nên dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng là rất cao.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh trên lợn, lở mồm long móng, viêm da nổi cục… vẫn đang được khống chế tốt trên cả nước nhưng các đơn vị chức năng, các địa phương cần hết sức lưu ý. Bởi đây đang là thời điểm chuyển giao mùa sau Tết âm lịch nên gia súc, gia cầm dễ bị nhiễm bệnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Thời gian tới, các đơn vị cần tập trung triển khai Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và hoàn thiện hệ thống quản lý; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ số trong quản trị, đặc biệt là tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng cường khâu kiểm nghiệm, khảo nghiệm để tham chiếu; thúc đẩy tái cơ cấu ngành hàng, chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, doanh nghiệp phải là hạt nhân từ việc cung cấp thức ăn đến giống, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường xuất khẩu chăn nuôi; đẩy mạnh việc đánh giá kết quả nghiên cứu vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi để cuối quý II, đầu quý III-2021 đưa vào sản xuất thương mại.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-vung-an-toan-dich-benh-de-phat-trien-nganh-chan-nuoi-ben-vung-229220.html