Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, tăng hiệu quả kinh tế, ngành chăn nuôi đang thực hiện các biện pháp nhằm tạo ra sản phẩm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh (ATDB).

Nhằm hạn chế ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động bà con nông dân tham gia vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi heo của gia đình bà Vũ Thị Kim Nga, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

Nhằm hạn chế ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động bà con nông dân tham gia vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi heo của gia đình bà Vũ Thị Kim Nga, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

HẠN CHẾ DỊCH BỆNH

Trang trại nuôi gà của ông Lý Trung Vân (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) tham gia dự án “Xây dựng vùng, cơ sở ATDB động vật trên cạn” vào đầu năm 2021. Hiện nay, trang trại đang nuôi 3.000 con gà ri. Với hình thức nuôi gối đầu, mỗi năm ông Vân nuôi được 4 lứa, sản lượng đạt 12 ngàn con/năm. Ông Vân cho biết, chăn nuôi gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ các đợt dịch bệnh khiến việc tiêu thụ gia cầm không thuận lợi. Trước thực tế đó, ông đã chọn giải pháp xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào chăn nuôi, tạo môi trường chăn nuôi khép kín không để dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Khi tham gia dự án, ông Vân được cán bộ thú y địa phương hướng dẫn cách phòng, tránh dịch bệnh, tham gia các đợt tiêm vắcxin và ghi chép đầy đủ, thực hiện nghiêm việc tẩy uế môi trường, vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng. Đồng thời, chú trọng nguồn thức ăn sạch và dinh dưỡng hợp lý, tuân thủ các quy định về vùng nuôi, ATDB. “Từ ngày thực hiện các biện pháp chăn nuôi ATDB, đàn gà nhà tôi luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh phát sinh. Nhờ tuân thủ các quy định của vùng ATDB, các loại bệnh trên gà như cúm được hạn chế đến mức tối đa, chất lượng sản phẩm cũng đảm bảo hơn”, ông Vân cho hay.

Có hơn 10 năm chăn nuôi heo, ông Đinh Xuân Khá (xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) cho rằng, nếu không nuôi theo phương pháp ATDB thì nguy cơ heo nhiễm bệnh khá cao, rủi ro lớn. Do đó, từ năm 2017, ông đã tham gia dự án Xây dựng vùng ATDB lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi. Khi đăng ký xây dựng cơ sở ATDB đối với đàn heo, mục tiêu ông hướng tới là giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm tối đa chi phí phòng và điều trị bệnh để vừa đảm bảo yếu tố sạch bệnh, an toàn, vừa tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Nhờ tuân thủ các quy định về an toàn nuôi, trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, đàn heo của gia đình ông vẫn an toàn, không bị nhiễm bệnh.

Trong 2 ngày 28 và 29/4, Chi cục Thú y Vùng VI (Cục Thú y) đã thẩm định công nhận 5 vùng ATDB cúm gia cầm, Newcastle và vùng ATDB lở mồm long móng và dịch tả heo sau gần 4 năm triển khai tại các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức và TX.Phú Mỹ. Như vậy, sau vùng ATDB Dại tại huyện Côn Đảo và TP. Vũng Tàu được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) công nhận năm 2018 và 2019, đây là các vùng, cơ sở ATDB tiếp tục được ngành nông nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh.

NHÂN RỘNG VÙNG ATDB

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT), lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh, chiếm 43,6% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) diễn biến phức tạp gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Để hạn chế tối đa thiệt hại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp cùng các đơn vị, địa phương triển khai các cơ sở, vùng ATDB trong chăn nuôi.

Trong đó, Chi cục đã thẩm định công nhận 148 cơ sở ATDB tại các trang trại chăn nuôi, thẩm định và công nhận 10 cơ sở ATDB cấp xã. Vùng ATDB Dại tại huyện Côn Đảo đã được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) công nhận từ năm 2018 và hiện nay đang được duy trì. Vùng ATDB Dại tại TP. Vũng Tàu đã được Cục Thú y công nhận từ năm 2019 (trước thời hạn 1 năm so với kế hoạch ban đầu). Ngoài ra, cuối tháng 4 vừa qua, Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng VI đã thẩm định công nhận 5 vùng ATDB (3 vùng ATDB cúm gia cầm và Newcastle tại huyện Côn Đảo, Châu Đức và TX. Phú Mỹ, 2 vùng ATDB lở mồm long móng và Dịch tả heo tại huyện Đất Đỏ và Long Điền).

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, việc triển khai các cơ sở, vùng ATDB trong những năm qua đã góp phần ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi (tăng trưởng trong chăn nuôi của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,46%/năm, hoàn thành vượt mực chỉ tiêu nhiệm vụ được UBND tỉnh giao). Đặc biệt, toàn bộ 28 trang trại nuôi heo giống của tỉnh đã được công nhận ATDB đều không bị mắc bệnh dịch tả heo châu Phi.

Kết quả đạt được là do các trang trại thực hiện triệt để việc xây dựng cơ sở ATDB, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đa số các trang trại chăn nuôi heo được công nhận ATDB đến nay đã không xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi. “Để nhân rộng các cơ sở, vùng ATDB, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động các trang trại, gia trại trên địa bàn tiếp tục xây dựng cơ sở ATDB, tiến tới xây dựng vùng ATDB”, ông Trung nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202105/xay-dung-vung-an-toan-dich-benh-trong-chan-nuoi-924685/