Xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp tập trung: Tạo sức bật cho sản xuất hàng hóa

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế nông nghiệp năm 2020 đạt 4,1% trở lên, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả thế mạnh của những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Sản xuất rau công nghệ cao tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh

Sản xuất rau công nghệ cao tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh

Giá trị sản xuất lớn

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay toàn TP đã dồn điền, đổi thửa được 79.454ha (đạt 104,6% so với kế hoạch). Điều này tạo thuận lợi hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giảm ngày công lao động, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón… Cùng với đó, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau dồn điền, đổi thửa cũng được TP đặc biệt quan tâm với số lượng 618.000 giấy/622.861 giấy (đạt gần 99,3%).

6 vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của Hà Nội gồm: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho thu nhập tăng 25 - 30% so với sản xuất lúa truyền thống; vùng sản xuất rau an toàn đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh đạt từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đạt 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản đạt 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Đáng chú ý, TP đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất. Cụ thể, chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao hơn 15.600ha, cây ăn quả gần 7.400ha, rau an toàn gần 3.000ha, chăn nuôi xa khu dân cư hơn 700ha, nuôi trồng thủy sản 6.900ha… Đây là kết quả quan trọng tạo đà cho Hà Nội hình thành 6 vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác, ngành nông nghiệp đã và đang ưu tiên đầu tư phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện, toàn TP có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng 29 mô hình so với năm 2019) tại các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Ứng Hòa... Tuy các mô hình này quy mô còn nhỏ, song cho hiệu quả kinh tế lớn, chiếm 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP.

Tiếp tục hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở các vùng tập trung còn nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh để thu hút những DN lớn vào đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao. Ngoài ra, việc nhiều hộ nông dân vẫn còn tư tưởng giữ đất đã trở thành rào cản đối với công tác tích tụ đất đai, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Giai đoạn 2020 - 2025, TP phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Theo đó, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các DN và người dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất, từ đó hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, đáp ứng nhu cầu phục vụ chế biến.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, từ đó xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Cùng với đó, tăng cường công tác dự báo thị trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Ngọc Ánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-vung-chuyen-canh-nong-nghiep-tap-trung-tao-suc-bat-cho-san-xuat-hang-hoa-386624.html