Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu

Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố ở 13 tỉnh.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Chiều 20/5, tại Hòa Bình, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lạc Sơn, UBND huyện Yên Thủy, Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022-2025.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Huy Nhuận nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, đòi hỏi sự phối hợp hình thành và phát triển vùng nguyên liệu, gắn kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, nhất là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, tập trung, hiện đại và ổn định lâu dài nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Quá đó tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương, mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, từng bước xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng thành công mục tiêu nông thôn của tỉnh Hòa Bình

Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố ở 13 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang.

Đề án được tổ chức thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2022-2023 tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án; giai đoạn 2 từ năm 2024-2025, hoàn thiện các nội dung Đề án, mở rộng xây dựng 5 trung tâm logistics và mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, ông Lê Đức Thịnh cho biết: Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn và Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022-2025 nhằm phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hội nhập hiện nay.

Đề án khi triển khai cần có sự phối hợp giữa các bên củng cố, phát triển các Hợp tác xã tại vùng nguyên liệu; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chuyên môn, cán bộ hợp tác xã và nhân sự của công ty Fusa khi công ty này tham gia xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong vùng nguyên liệu, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bền vững, an toàn với môi trường sinh thái.

Khi thực hiện đề án, Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa phải xây dựng kế hoạch liên kết cụ thể hàng năm với diện tích và địa điểm sản xuất vùng nguyên liệu trên cơ sở phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện canh tác…

UBND huyện Lạc Sơn và Yên Thủy ký kết tham gia đề án cũng phải cam kết ưu tiên nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nhằm phát triển vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với doanh nghiệp; phối hợp với Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa xác định, phát triển và quản lý tốt vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng.

Tổ chức sản xuất, liên kết với hợp tác xã để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn; tổ chức thu hoạch sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất trong vùng nguyên liệu theo hợp đồng đã ký kết.

Tại lễ ký kết, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, đề xuất một số giải pháp triển khai thành lập, củng cố và phát huy hiệu quả các tổ sản xuất hợp tác xã; đề nghị doanh nghiệp cam kết khi thực hiện đề án hình thành được các vùng nguyên liệu sẽ thực hiện cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản sản phẩm giúp các hợp tác xã, người dân yên tâm sản xuất; huy động mọi nguồn lực đầu tư để thực hiện hiệu quả Đề án…

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đi khảo sát kiểm tra thực địa quá trình triển khai thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ tại 4 dự án bố trí ổn định dân cư trên địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình./.

Lưu Trọng Đạt/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-vung-nguyen-lieu-dat-chuan-xuat-khau/291893.html