Xây dựng xã hội học tập khởi nguồn từ gia đình

Để xây dựng xã hội học tập, vai trò gia đình là rất quan trọng và cần thiết. Bởi, gia đình là môi trường văn hóa đặc biệt có vai trò hết sức quan trọng về giáo dục con cái. Chính môi trường đặc biệt ấy đã sản sinh cho quê hương, đất nước những người con ngoan, trò giỏi, những công dân tiên tiến, lao động sáng tạo.

Có thể xem, gia đình là tế bào, là nền móng của xã hội. Muốn xã hội phát triển bền vững, văn minh cần có nhiều gia đình phát triển bền vững, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… Và, trong thời đại ngày nay để tiến tới xã hội học tập thì mỗi gia đình phải là “gia đình học tập”, là môi trường giáo dục đầu tiên, đặt nền móng học tập trong suốt cuộc đời của mỗi người. Học ở đây là học cho mình, học cho gia đình, học để tìm kiếm việc làm, học để tìm công việc tốt hơn, học để làm việc hiệu quả hơn, quan trọng là học để không lạc hậu. Các gia đình học tập không chỉ là những mô hình, những tấm gương khuyến học từ cơ sở, góp phần xây dựng xã hội học tập, mà còn là cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ, phẩm chất, nhân cách cho nhiều thế hệ trẻ. Ngoài ra, gia đình học tập còn là nhân tố không thể thiếu, là sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội, góp phần định hướng, giáo dục, hình thành phẩm cách tốt đẹp, ý chí cầu tiến, ham học hỏi cho những thế hệ tương lai của đất nước. Chính sự phát triển của gia đình học tập đã góp phần vào việc xây dựng xã hội học tập, không chỉ phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ mà còn khuyến khích, thúc đẩy các lực lượng xã hội tạo điều kiện, chăm lo cho những tấm gương hiếu học, vượt khó.

Gia đình học tập là “hạt nhân” xây dựng thành công xã hội học tập

Ông Chau Dônl (sinh năm 1966, ngụ ấp Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) cho rằng, cần đăng ký xây dựng mô hình gia đình học tập để nâng cao trách nhiệm của cha mẹ đối với việc học hành của con cái. Con cái phải chăm lo học tập, rèn luyện để có cơ hội lập thân, lập nghiệp sau này. “Hoàn cảnh gia đình tôi tuy nghèo nhưng nhìn bà con trong phum, sóc cố gắng lo cho con em ăn học, tôi cũng quyết tâm lo cho con ăn học thành đạt. Nhà không có đất canh tác, vợ chồng chật vật với nghề “ai kêu gì làm nấy”, nhưng chúng tôi vẫn dành dụm tiền nuôi con ăn học. Suốt thời gian con trai học đại học, vợ chồng tôi dành dụm, tích góp từ 2-3 triệu đồng/tháng gửi cho con ăn học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn tạo điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn, con tôi vì thế cũng cố gắng rất nhiều trong học tập và rèn luyện. Con tôi đã tốt nghiệp đại học Trường Đại học Cần Thơ và là kỹ sư nông nghiệp, đang công tác tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Đó không chỉ là niềm vui và sự tự hào đối với gia đình, mà còn là thành quả tốt đẹp sau bao năm tháng nhọc nhằn, quyết không để con phải bỏ học vì nghèo” - ông Chau Dônl chia sẻ.

Hay như dòng họ học tập của thầy Võ Ngọc Vệ (ngụ ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, Thoại Sơn), dẫu vừa mới được công nhận là “Dòng họ học tập” năm 2019, nhưng từ trước đến nay, ông Vệ vẫn nêu cao tinh thần tự học trong gia đình, dòng họ. Hiện, dòng họ học tập của ông gồm 15 gia đình, có trọng trách là vận động các gia đình, thân nhân con cháu trong dòng họ nêu cao tinh thần hiếu học, khuyến khích, hỗ trợ con em trong họ tộc nỗ lực vượt khó học tốt, rèn luyện giữ gìn nhân cách để thành người hữu ích cho đất nước. Ngoài nguồn trao thưởng (hơn 5 triệu đồng) vừa hỗ trợ đợt đầu tiên nhằm khuyến khích con cháu trong dòng họ tiếp tục phấn đấu giữ vững thành tích học tập, ông Vệ chia sẻ đến vấn đề “Nuôi heo đất” để hỗ trợ gia đình khó khăn trong dòng họ vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy con cái thành người có ích. Dù mới là ý định nhưng ông Vệ có niềm tin vững chắc sẽ thực hiện thành công, bởi ông tin vào truyền thống hiếu học của dòng họ mình. Theo đó, mỗi gia đình sẽ tự “Nuôi heo đất” tùy vào khả năng, điều kiện của mình. Sau 1 năm, ngày họp mặt dòng họ, mọi người sẽ tiến hành “đập heo”, trao tiền cho gia đình thật sự cần nhất.

Để có được xã hội học tập, cần phải có 2 hệ thống giáo dục: gia đình và nhà trường. Gia đình chính là trường học đầu tiên và cũng là trường học suốt đời của mỗi người. Vì vậy, xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập chính là đặt nền móng cho một xã hội học tập bền vững.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-khoi-nguon-tu-gia-dinh-a255753.html