Xây dựng xã hội học tập thời kỳ chuyển đổi số

Xây dựng xã hội học tập là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời, nâng cao trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

“Lớp học không biên giới” sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi kiến thức của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái với học sinh Trường THCS Pungsaeng, Hàn Quốc.

“Lớp học không biên giới” sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi kiến thức của học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái với học sinh Trường THCS Pungsaeng, Hàn Quốc.

Trong thời kỳ chuyển đổi số, tại Yên Bái, việc xây dựng xã hội học tập càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thiết thực nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân.

Chuyển đổi số đã tạo ra môi trường học tập mới, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới của người học. Người học có thể chủ động tiếp cận tri thức, tự tìm tòi, khám phá và phát triển những ý tưởng mới. Việc xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân thông qua các khía cạnh. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đã giúp kết nối mọi người dân với nhau, tạo ra các cộng đồng học tập trực tuyến, giúp người học có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, tạo ra sự gắn kết và cộng đồng.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã rất nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, trong đó ngành giáo dục và đào tạo đã tạo bước chuyển biến đáng kể trong quản lý giáo dục, trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá. Bắt đầu từ việc thực hiện thành công thí điểm 2 mô hình chuyển đổi số trường học là Trường THCS Quang Trung và Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, đến nay đã triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh.

Tính đến cuối tháng 9/2023, đã có trên 8.000 giáo viên được cấp chữ ký số, toàn ngành có 351 cơ sở giáo dục, các hội nghị, hội thảo thường xuyên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, việc thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai thực hiện ở 65 trường học.

Toàn tỉnh có 12 trường học triển khai thư viện số, 38 trường sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo, 71 trường sử dụng hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến… Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục của tỉnh Yên Bái và là một phần trong cộng đồng xã hội học tập.

Sự thay đổi này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong học tập và giảng dạy, hướng tới chuyển đổi số toàn diện của ngành giáo dục và đào tạo, mục tiêu có thêm nhiều trường học hạnh phúc.

Theo ông Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, để xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ chuyển đổi số, cần có sự chung tay, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cụ thể, cần thực hiện các giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về tầm quan trọng của xây dựng xã hội học tập. Tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc xây dựng xã hội học tập là một nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ số trong giáo dục, trong đó đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ số hiện đại, xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể học tập mọi lúc, mọi nơi.

Cùng với đó, phải đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ số một cách hiệu quả. Đặc biệt, cần phát triển hệ thống giáo dục mở, giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho giáo viên và học sinh, đặc biệt chú trọng việc xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân học tập suốt đời, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, phụ nữ, người bị thiệt thòi.

Xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nâng cao chỉ số hạnh phúc nhân dân trên địa bàn. Việc xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và cần sự nỗ lực của toàn xã hội. Tin tưởng rằng với sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng của nhân dân, mục tiêu xây dựng xã hội học tập tại Yên Bái sẽ sớm được hiện thực hóa, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân.

Thu Hiền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/305583/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-thoi-ky-chuyen-doi-so.aspx