Xây đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - Vinh từ 2026?

Tư vấn tính toán mức đầu tư để xây dựng hai đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM từ năm 2026.

Tư vấn đề xuất từ 2026 bắt đầu triển khai xây dựng đường sắt tốc độ đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM - Ảnh minh họa

Theo báo cáo nghiên cứu giữa kỳ tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam do Liên danh tư vấn Tedi-Tricc-Tedishouth vừa đề xuất, toàn tuyến dài khoảng 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố (điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại TP HCM), với 23 nhà ga.

Công nghệ dự án là động lực phân tán EMU (đối với đoàn tàu) và công nghệ hệ thống truyền dẫn số di động dạng sóng không gian (đối với tín hiệu điều khiển); phương thức đóng đường sử dụng phân khu di động. Tốc độ chạy tàu trong giai đoạn đầu lớn nhất là 200km/h, giai đoạn sau cao nhất 320km/h (cơ sở hạ tầng, công nghệ được thiết kế theo tiêu chuẩn đáp ứng tối đa 350km/h).

Thời gian chạy tàu (bao gồm cả thời gian dừng tại ga) trong giai đoạn đầu trên đoạn Hà Nội - Vinh là 1h48 và 1h20 trong giai đoạn sau. Đoạn TP.HCM - Nha Trang 2h25 trong giai đoạn đầu và 1h35 giai đoạn sau. Thời gian chạy toàn tuyến Bắc - Nam là 5h17 (tàu nhanh đỗ ít ga) và 6h50 (tàu nhanh đỗ nhiều ga).

Trên cơ sở công nghệ và tiêu chuẩn thiết kế trên, tư vấn bước đầu khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 58,710 tỷ USD (1.344.459 triệu đồng), bao gồm các chi phí: giải phóng mặt bằng, xây dựng, thiết bị và Depot, quản lý dự án và tư vấn, lãi và phí, phí dự phòng…

Theo chiến lược phát triển GTVT đường sắt đã được phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc nói trên, trong đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất xây dựng mới, mang lại hiệu quả hơn so với phương án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu

Vì vậy, tư vấn đề xuất ưu tiên xây dựng Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn từ năm 2026 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2032. Các đoạn còn lại sẽ được tiếp tục xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến 2040 - 2045.

Cùng với tính toán tổng mức đầu tư dự án, tư vấn cũng tính toán cho các đoạn Hà Nội - Vinh (282km), Vinh - Đà Nẵng (432km), Đà Nẵng - Nha Trang (472km), Nha Trang - TP. HCM (363 km). Trong đó, để xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh cần 210.463 tỷ đồng (gần 9,2 tỷ USD), đoạn Nha Trang - TP.HCM cần 286.689 tỷ đồng (hơn 12,5 tỷ USD), Vinh - Đà Nẵng cần 295.472 tỷ đồng (hơn 12,9 tỷ USD), Đà Nẵng - Nha Trang cần 286.689 tỷ đồng (hơn 12,5 tỷ USD).

“Báo cáo nghiên cứu mới bước đầu sơ bộ khái toán tổng mức đầu tư dự án, trong đó một số hạng mục như dự án, thiết bị mới chỉ là tạm tính. Tổng mức đầu tư chính thức của dự án sẽ được cập nhật hoàn thiện sau khi xác định cụ thể khối lượng”, đại diện tư vấn cho biết.

Hình thức đầu tư, theo đề xuất của tư vấn, được đầu tư theo hình thức PPP kết hợp với vốn Nhà nước. “Dự án phân chia thành các dự án thành phần gồm: các dự án thành phần sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (giải phóng mặt bằng, công trình tuyến, thông tin tín hiệu, trang thiết bị phục vụ chạy tàu…) và các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư tư nhân (các hạng mục như nhà ga, Depot… dự kiến có thể khai thác được quỹ đất hoặc có tiềm năng”, tư vấn đề xuất.

Hồng Xiêm

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/xay-duong-sat-toc-do-cao-doan-ha-noi--vinh-tu-2026-d270355.html